Jimmy Carter và chiến tranh Việt Nam
Phần lớn lời chia buồn và bình luận của giới truyền thông về cái chết của Jimmy Carter đều nói về đức tính của ông với tư cách là một người theo đạo Thiên chúa có lòng tin và làm theo đạo một cách tuyệt đối. Tất cả mọi người bày tỏ lòng kính trọng đối với vị cố Tổng thống được vinh danh vì tấm lòng khiêm nhường và chỉ mong muốn điều tốt cho mọi người. Năm 2002, Jimmy Carter được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của ông nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế. Nhiều người nhớ lại rằng, sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 1976, ông Carter đã nỗ lực giúp nước Mỹ chữa khỏi “hội chứng Việt Nam”.
Một trong những biểu hiện của hội chứng này là cuộc chia rẽ về tư tưởng trong nước Mỹ giữa hai bên về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong số những người phản đối chiến tranh Việt Nam có 200.000 thanh niên Mỹ, những người trong thời chiến đã không đăng ký với ban tuyển quân địa phương hoặc rời khỏi đất nước để tránh phải đi quân dịch, do đó vi phạm Đạo luật nghĩa vụ quân sự. Vào ngày 21 tháng 1 năm 1977, một ngày sau lễ nhậm chức, Tổng thống Carter đã quyết định ân xá vô điều kiện cho hàng trăm nghìn người đàn ông trốn nghĩa vụ quân sự trong chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Jimmy Carter phản đối chiến tranh Việt Nam. Còn có quá nhiều sự trái ngược. Ở đỉnh cao trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông cho biết không nên tiếp cận vấn đề này "bằng các nguyên tắc đạo đức". Trong trường hợp Thiếu úy William Calley, người phạm tội thảm sát hàng loạt dân thường ở làng Mỹ Lai (Sơn Mỹ), Jimmy Carter đã phản đối bản án có tội vì tin rằng bản án như vậy là "một đòn giáng vào tinh thần chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ". Ngay cả sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Carter vẫn tiếp tục biện minh cho hành động của quân đội Hoa Kỳ. Vào tháng 5 năm 1976, khi phát biểu tại một nhà thờ ở Indianapolis, ông đã nói rằng, vì người Việt Nam là người da vàng nên "chúng tôi không cảm thấy tiếc thương cho cái chết của họ" như nếu họ là người da trắng. Thật sự là một tuyên bố phân biệt chủng tộc!
Carter ngấm ngầm tán thành hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam
Vào tháng 1 năm 1979, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ, nơi ông được Tổng thống Jimmy Carter tiếp đón. Kết quả chính của chuyến thăm này là việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington và việc Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đây chính là điều mà báo chí Trung Quốc hiện đại đang tập trung chú ý. Nhưng chuyến thăm này còn mang lại một kết quả chính trị quan trọng khác. Trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và Washington cần hợp tác để chống lại sự bá quyền của Liên Xô và đồng minh của nước này ở châu Á là Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này với Tổng thống Mỹ, Đặng Tiểu Bình đã gọi Việt Nam là "Cuba của phương Đông". Về mặt chính thức, Jimmy Carter không ủng hộ kế hoạch của Bắc Kinh xâm lược Việt Nam, nhưng ông cũng không ngăn cản vị khách Trung Quốc thực hiện bước đi này. Và khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, Washington đã cố gắng đứng ngoài cuộc, giả vờ như điều này không liên quan gì đến mình. Đây chính là cách mà người đoạt giải Nobel Hòa bình Jimmy Carter đã thể hiện mình!
Theo câu nói nổi tiếng của chính trị gia Hy Lạp cổ đại Chilon: "không được nói xấu người đã chết hoặc chỉ nói sự thật". Và ngày nay, khi Jimmy Carter đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế của mình, nên nói ra sự thật về ông.