Nền kinh tế Việt Nam 2025 sẽ tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng mạnh mẽ nhưng chuyên gia cũng khuyến nghị cần tỉnh táo nhìn thẳng vào các vấn đề thách thức hiện nay để vượt qua khó khăn.
4 trở ngại với nền kinh tế Việt Nam
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2024 khép lại với nhiều biến động trong nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của các tổ chức và nhận định của giới chuyên gia gần đây cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục khởi sắc.
"Bước vào năm 2025, kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng. Song, tôi cho rằng không nên lạc quan quá mức. Chúng ta cần tỉnh táo để nhìn thẳng vào vấn đề, đó là kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức", Tạp chí DNVN dẫn lời TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Theo chuyên gia, có ít nhất có 4 trở ngại lớn đối với nên kinh tế Việt Nam năm 2025, ở cả góc độ khách quan và chủ quan.
Trước hết là áp lực đè nặng lên điều hành chính sách tiền tệ. Việt Nam gặp khó khăn và chịu nhiều áp lực trong việc điều hành tỷ giá USD/VND sau khi ông Donald Trump trở lại điều hành nước Mỹ, với xu hướng thắt chặt tiền tệ, thậm chí tăng lãi suất đồng USD trở lại thay vì hạ như hiện nay.
Ngoài ra, còn có tác động bất lợi từ những bất ổn địa chính trị toàn cầu. Nhiều "điểm nóng" xung đột trên thế giới và cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường và khối kinh tế đã tác động đến Việt Nam, trong bối cảnh đất nước có nền ngoại giao kinh tế mở rộng.
Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu nên không thể không bị ảnh hưởng, nhất là trong xuất khẩu. Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với các nước xuất siêu vào nước này, Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn vào Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chưa hết, Việt Nam có gặp khó khăn do cấu trúc nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để.
Về tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ dưới thời Trump 2.0, chuyên gia nhận định Nhà Trắng với quan điểm cứng rắn hiện nay sẽ có xu hướng thắt chặt tiền tệ, qua đó có thể khiến tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh.
Trên thực tế, tỷ giá VND đã tăng từ mức 24.265 đồng/USD (đầu năm 2024) lên 25.318 đồng/USD (tính đến nay), tương đương mức tăng 4,34%. Dự báo năm 2025, tỷ giá này sẽ tiếp tục biến động, chịu ảnh hưởng từ chính sách kinh tế mới của Hoa Kỳ.
Trước khi bầu cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ giảm thuế cho người giàu, đặc biệt là các chủ tập đoàn kinh tế lớn. Nếu thực hiện lời hứa này, Mỹ sẽ đối mặt với thâm hụt ngân sách, dẫn đến phải bơm tiền vào lưu thông, làm gia tăng lạm phát.
"Để giải quyết vấn đề này, FED phải đảo ngược chính sách từ nới lỏng hiện nay sang thắt chặt, đẩy tỷ giá đồng USD lên cao so với các đồng tiền khác. Đây là điều mà nhiều quốc gia lo ngại và Việt Nam cũng không ngoại lệ", TS. Hiếu phân tích.
Theo ông, khả năng tăng thuế nhập khẩu của Mỹ với hàng hóa Việt Nam có thể không tác động trực tiếp, vì quan hệ song phương hai nước đang ổn định.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể bị tác động gián tiếp thông qua các nước khác, đặc biệt trong trường hợp chính quyền ông Trump tăng thuế mạnh với Bắc Kinh, đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Về hạn chế nội tại, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về việc khó tiếp cận vốn tín dụng do không đáp ứng đủ điều kiện, trong khi nợ xấu tăng cao, dù đã được NHN gia hạn và nới lỏng.
"Nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh", TS. Hiếu lưu ý.
Có thể đạt được tăng trưởng 8%
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 05 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).
Bộ trưởng nhấn mạnh đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới.
Nói về động lực, ông chỉ ra 5 điểm. Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực
Bộ trưởng cũng cho biết, phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài.
Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận…