Thủ tướng: Bỏ cấp huyện, bớt khâu trung gian

Công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, liên quan đến thực hiện Nghị quyết 18, Thủ tướng quán triệt, tinh thần là bỏ cấp huyện, bớt khâu trung gian, làm tốt công tác quản lý để thúc đẩy phát triển.
Sputnik
Cùng với đó, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với 3 địa phương

Hôm nay, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa công bố quyết định kiểm tra năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là kiểm tra, giám sát.
Việc kiểm tra cần bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, tuân thủ 5 phương thức lãnh đạo, 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, các quy định của Đảng và quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
“Tinh thần của việc kiểm tra là đánh giá đúng ưu điểm, kết quả, hạn chế, tồn tại (nếu có) của các Đảng ủy về các nội dung kiểm tra; phát hiện được những vấn đề mới, tổng hợp được cách làm sáng tạo, hiệu quả, những vướng mắc, khó khăn”, Thủ tướng lưu ý.
Việt Nam có thể giảm một nửa số tỉnh?
Đặc biệt, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Cùng với đó, cũng cần kiểm tra việc thực hiện các chuyên đề công tác trọng tâm nói trên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tạo đà, tạo lực để các tổ chức đảng quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương lớn của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức thực hiện thống nhất, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, thống nhất ý Đảng lòng dân.
Các đơn vị được kiểm tra cần nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình, khẩn trương tự kiểm tra, báo cáo tổng hợp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu trong quá trình kiểm tra; chủ động bố trí thời gian làm việc thích hợp để đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bỏ cấp huyện, bớt khâu trung gian

Theo Thủ tướng, TP.HCM rất nhiều việc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, thành phố đã vực dậy kinh tế, phục hồi nhanh và phát triển kinh tế là một nỗ lực rất lớn.
“Một điểm phần trăm tăng trưởng của TPHCM đã đóng góp 1,5% - 1,7% tăng trưởng của cả nước”, Thủ tướng cho hay.
Việt Nam có thời chỉ có 38 tỉnh, tỉnh nào có thể bị sáp nhập?
Thủ tướng nhận xét Bình Dương là tỉnh rất sáng tạo, phát triển hạ tầng đồng bộ, nơi “đất lành chim đậu”, thu hút lao động các nơi đến làm việc và sinh sống.
Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, quy mô kinh tế cũng lớn.
Nhắc về hai động lực phát triển là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vai trò, đóng góp to lớn của TP Hà Nội và TP.HCM cho cả nước.
Lưu ý những cơ chế, chính sách ưu tiên, Thủ tướng chỉ rõ, quá trình xây dựng cơ chế, chính sách cần phải có ưu tiên cho vùng động lực phát triển nói chung và hai thành phố nói riêng. Khi các cơ chế, chính sách này phát huy thì nhân rộng ra cả nước, tạo của cải vật chất để chia sẻ với các vùng khó khăn.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của cả ba địa phương, vùng Đông Nam Bộ vào thành tựu chung của cả nước, dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ có những tồn tại, hạn chế và trong triển khai các chủ trương mới không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
“Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, tất cả vì lợi ích chung, không có động cơ cá nhân”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thấu hiểu rằng, quá trình thực hiện các chủ trương lớn sẽ có vướng mắc, do đó, Thủ tướng yêu cầu cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Ai sẽ làm Chủ tịch UBND TPHCM?
Đồng thời, bảo đảm dòng chảy phát triển liên tục, đường lối của Đảng được kế thừa và phát huy, thực hiện hiệu quả.
“Tinh thần là bỏ cấp huyện, bớt khâu trung gian, làm tốt công tác quản lý để thúc đẩy phát triển. Cùng với đó, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phát huy được vai trò quản lý”, Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò động lực của vùng Đông Nam Bộ với những cơ chế, chính sách ưu tiên.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc nhở, các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường đồng hành, hỗ trợ các vùng khác, các địa phương khác khó khăn hơn.

Sẽ quán triệt

Theo quyết định được công bố, nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề gồm tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết 18, gắn với việc thành lập và hoạt động của các đảng bộ mới.
Kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35.
Quyết định táo bạo của Việt Nam
Kiểm tra việc quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phát biểu hôm nay, thay mặt các tổ chức Đảng được kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết các đơn vị đều nhận thức rất rõ, thông suốt về mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra.
Bí thư Nên khẳng định sẽ tập trung triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các nội dung kiểm tra.
Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, các địa phương khẩn trương xây dựng báo cáo theo đề cương, kèm theo các tài liệu liên quan, gửi Đoàn Kiểm để nghiên cứu; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân làm đầu mối liên lạc, phối hợp Đoàn Kiểm tra trong quá trình làm việc.
Ông cũng đề nghị Đoàn Kiểm tra sớm có kế hoạch làm việc cụ thể với các tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc của các Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ với tinh thần nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được phân công, tiến hành nhanh, gọn, có chất lượng, hiệu quả, đúng quy định, có báo cáo kết quả kiểm tra, phản ánh đúng bản chất nội dung kiểm tra.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thông tin đầy đủ để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Chính phủ.
Thảo luận