Các nhà hạt nhân Nga đang xây dựng 29 lò phản ứng ở nhiều quốc gia nhưng trong tương lai gần con số này sẽ lên đến 64 lò phản ứng.
Kế hoạch mới được công bố tại Moskva ngày 3 tháng 6 trong buổi bế mạc diễn đàn quốc tế lần thứ VII Atomexpo-2015. Người đứng đầu Rosatom, ông Sergey Kiriyenko đã đề cập những phương hướng phát triển chủ đạo của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân toàn cầu trong những năm qua. Đó là đòi hỏi cao về an toàn sản xuất, là kéo dài thời hạn phục vụ của các cơ sở hạt nhân. Nga tiếp tục giữ vai trò thủ lĩnh thế giới trong những hướng này. Đặc biệt, ông Sergei Kiriyenko cho biết, Nga đã hoàn thành thử nghiệm loại thép mới cho thân lò phản ứng, đảm bảo hiệu suất hoạt động hơn 100 năm.
Xu thế thứ hai của điện hạt nhân là sự chuyển dịch địa lý — từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông. Rosatom đang làm việc với loạt quốc gia châu Á. Ở Ấn Độ vào mùa hè năm nay, hãng của Nga sẽ khởi động tổ máy số hai Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam. Hồi mùa thu năm 2014, Rosatom đã ký kết với Iran thỏa thuận xây dựng 8 lò phản ứng. Đây là thương vụ lớn nhất trên thị trường hạt nhân thế giới trong những năm gần đây.
Nga khẳng định vị trí thủ lĩnh phát triển công nghệ hạt nhân bằng những thành tựu thực tế của mình. Viện nghiên cứu lò phản ứng nguyên tử (NIIAR) ở Dimitrovgrad đang xây dựng lò phản ứng đa năng thế hệ mới. Công trình dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.
"Đây sẽ là lò phản ứng mạnh nhất trong số các lò phản ứng nhanh thử nghiệm đang hoạt động và được thiết kế trên thế giới," — Giám đốc Viện NIIAR ông Alexander Tuzov cho biết. Ví dụ, ở Pháp trong tương lai gần mới có lò phản ứng hạt nhân thế hệ III+, ở Mỹ nghiên cứu trong lĩnh vực này đã hoàn toàn bị ngừng.
BREST-300 của Nga là lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ IV. Các lò phản ứng thông thường hoạt động bằng uranium nghèo, để lại nhiều chất thải hạt nhân và là vấn đề nghiêm trọng cho môi trường. Trên thế giới hiện tích lũy 345.000 tấn chất thải hạt nhân, trong đó 110.000 tấn tại Hoa Kỳ. Công nghệ xử lý chỉ có ở Nga, Pháp và Anh. Các quốc gia còn lại tích lũy chất thải nhiên liệu và vấn đề này cản trở việc sử dụng hiệu quả các lò phản ứng hạt nhân.
Nga đề xuất việc xử dụng các lò phản ứng nhanh. Lò phản ứng thế hệ IV cho phép sản xuất năng lượng hạt nhân không có chất thải mang đầy đủ ý nghĩa của nguyên tử hòa bình. Việc khai thác lò phản ứng nhanh sẽ không làm nảy sinh yếu tố chất thải có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua hoạt động xử lý. Vì vậy, có thể yên tâm xuất khẩu loại lò phản ứng này.
Đồng thời với việc chế tạo lò phản ứng mới, tại thành phố Tomsk của Siberia đã khởi công một nhà máy sản xuất nhiên liệu từ chất thải hạt nhân. Như vậy, khối lượng nhiên liệu cần thiết sẽ sẵn sàng ở thời điểm lò phản ứng thế hệ thứ IV BREST-300 đi vào làm việc.
Dự án chế tạo năng lượng hạt nhân mới của Nga có tên gọi Proryv tức "Đột phá" cho phép giải quyết loạt vấn đề toàn cầu quan trọng: từ bảo quản chất thải hạt nhân cho đến khủng hoảng năng lượng được dự kiến.
Theo các chuyên gia, lò phản ứng thế hệ mới của Nga sẽ có mức độ an toàn cao chưa từng có. Ngay cả trong tai nạn nguy hiểm dẫn tới hư hại tòa nhà, các mái của lò phản ứng sẽ không để xảy ra thất thoát phóng xạ buộc người dân phải sơ tán và gây ô nhiễm lãnh thổ trong thời gian dài.