Theo truyền thông Nhật Bản, tại cuộc đàm phán với lãnh đạo Ucraina, phía Nhật Bản sẽ thông báo về việc Tokyo tiếp tục thực thi chính sách của G7 về cung cấp viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraina. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Poroshenko nên thiết lập cuộc đối thoại với Nga để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình ở phía Đông Ukraina, mà theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, ở đó có cuộc đối đầu giữa lực lượng của chính phủ Ukraina và các nhóm vũ trang thân Nga.
Dựa theo thông tin này, phóng viên của đài phát thanh "Sputnik" đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền qua Email với chính trị gia nổi tiếng của Nhật Bản Kazuyuki Hamada, nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập.
"Sputnik": Các phương tiện truyền thông phương Tây và một số chính trị gia phương Tây bắt đầu chỉ trích chính sách của Tổng thống Poroshenko: chỉ trích các hành động của quân đội Ucraina chống lại dân thường ở miền Đông Ukraina, đàn áp phe đối lập và các phương tiện truyền thông, tham nhũng và hối lộ, tôn vinh các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraina đã từng tiếp tay cho nước Đức Quốc Xã trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ cho chế độ Poroshenko. Tại sao vậy?
Ông Kazuyuki Hamada:
Hiện nay ở Ukraina ngoài Tổng thống Poroshenko không có nhà chính trị nào khác với thẩm quyền đầy đủ. Thật vậy, một số phương tiện truyền thông và những chính trị gia phương Tây chỉ trích ông này, nhưng, ở bất cứ nước nào cũng có những vấn đề tương tự, mặc dù với quy mô nhỏ hơn. Chính bởi vậy phương Tây giữ lập trường này, tức là kêu gọi Tổng thống Poroshenko nên thực hiện cải cách. Nếu nói về việc tôn vinh các phần tử quốc xã ở Ukraina, thì Nhật Bản không đưa tin về điều đó.
"Sputnik": Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Poroshenko thiết lập cuộc đối thoại với Nga để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình ở phía Đông Ukraina. Tuy nhiên, theo thỏa thuận Minsk, để giải quyết hòa bình vấn đề của khu vực Đông Nam Ukraina, Tổng thống Poroshenko nên thương lượng không phải với Nga, mà với các nhà lãnh đạo của Lugansk và Donetsk. Theo ý kiến của ông, liệu Thủ tướng Abe sẽ đề cập đến vấn đề thực hiện các thỏa thuận Minsk trong cuộc đàm phán với Tổng thống Poroshenko?
Ông Kazuyuki Hamada:
Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng Abe sẽ yêu cầu ông Poroshenko thực hiện các thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, trong lập trường của các bên tham gia quá trình Minsk vẫn có những bất đồng chưa khắc phục nổi: về sớm chấm dứt chiến sự, về cải cách hiến pháp và tổ chức cuộc bầu cử ở Ukraina, cũng như về quyền tự trị. Vì vậy, song song với việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraina trong khuôn khổ tham vấn 5 bên, bao gồm cả OSCE, cần phải sớm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và khôi phục lại sự kiểm soát biên giới tại các khu vực phía Đông Ukraina.
Nhật Bản đánh giá cao quan hệ với cả Nga và Ukraina, vì thế Tokyo có ý định gia tăng nỗ lực ủng hộ quá trình tìm kiếm giải pháp hoà bình ở Ukraina. Để đạt được tiến bộ trong vấn đề cấp quyền tự trị, Nhật Bản dự định gia tăng viện trợ kinh tế và công nghệ cho Ukraina.
Nói về cuộc đàm phán giữa Kiev với Donetsk và Lugansk, thì cuộc thương lượng như vậy chắc chắn là cần thiết, nhưng, nếu không có sự tham gia của Nga trong quá trình này thì không thể đạt được thỏa thuận. Vì vậy, Nhật Bản coi trọng tham vấn với Nga và có ý định thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp của nhóm G-7, mà Nga sẽ không tham gia.
Đài "Sputnik" sẽ theo dõi quá trình đàm phán giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Poroshenko cũng như phản ứng của các chính trị gia Nhật Bản và Nga về sự kiện này.