Câu hỏi được nêu nhân chuyến công cán của Thủ tướng Shindzo Abe tới Ukraina.
Từ chối tháo bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga với lý do thỏa thuận hòa bình Minsk không được thực hiện đầy đủ, có vẻ kỳ quặc: chính là phía Kiev không thực hiện phần lớn các mục của thỏa thuận này. Quân đội của Kiev đang bắn phá Donetsk, giết chết các dân thường. Hôm thứ Tư thậm chí họ còn tiến hành cuộc tấn công ồ ạt vào các vị trí của dân quân, nhưng đã bị đẩy lui. Kiev từ chối tham gia cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo vùng Donbass và không tổ chức cải cách hiến pháp đảm bảo dành quyền tự chủ lớn hơn cho Donbass.
Tại sao bất chấp thực tế đó Nhật Bản vẫn khăng khăng đổ cho Nga mọi lỗi lầm về tai họa của Ukraina? Phóng viên đài phát thanh "Sputnik" đã nêu câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Aleksandr Panov cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Mỹ và Canada.
Chuyên viên Aleksandr Panov lý giải như sau: "Thời điểm hiện nay, trong tầng lớp tinh hoa chính trị của Nhật Bản có hai luồng quan điểm. Một quan điểm cho rằng đã đến lúc thay đổi lập trường trong thái độ với Nga và quan hệ với Ukraina. Mặt khác, hiện hữu nhãn quan chiếm ưu thế như trước đây, cho rằng Nhật Bản là một thành viên của cộng đồng phương Tây, và cần phải tiếp tục hành động theo lập trường chung của "G7". Vì thế ông Abe lên đường đi Ukraina. Nói đúng ra, chuyến đi này chẳng có ý tưởng gì, ngoài việc phô trương sự ủng hộ chế độ cầm quyền hiện nay ở Kiev theo dòng chung của "nhóm 7".
Chuyên viên Panov lưu ý rằng ông Abe đang cố gắng luồn lách giữa hai luồng quan điểm kể trên. Khi Chủ tịch Viện Duma quốc gia Nga Sergei Naryshkin đến Nhật Bản, Thủ tướng Shindzo Abe đã hội đàm với vị thượng khách Nga. Và nếu so với năm ngoái, ông Abe không tiếp ông Naryshkin, thì đây là bước tiến nhất định theo hướng tăng cường đối thoại với Nga. Nhưng mặt khác, — chuyên viên Panov nhận xét —, việc đó không được thực hiện một cách chủ động. Báo chí cho biết, khi ở Hoa Kỳ, ông Abe nói với ông Obama rằng Nhật Bản dự định mời Tổng thống Putin, thì dường như ông chủ Nhà Trắng đã ám chỉ, làm vậy là quá sớm.
"Dù sao chăng nữa, có thực tế là ngày càng gia tăng quan điểm cho rằng cần xúc tiến cuộc đối thoại nào đó với Nga. Cũng gia tăng hiểu biết là Ukraina chẳng liên quan gì tới bang giao Nga-Nhật. Ukraina phần nhiều là vấn đề của châu Âu. Và diễn đàn kinh tế Nga-Nhật tiến hành ở Tokyo ngày 21 tháng Năm cho thấy các đại biểu doanh nghiệp đều mong muốn phát triển quan hệ. Thêm cả những chính khách hiểu rằng có lý do quan trọng nữa để phát triển quan hệ với Nga: người Nhật cũng nhận thấy, khi phải đối mặt với áp lực từ phương Tây, LB Nga tăng cường đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, khiến người Nhật e sợ rằng có thể phải chịu tác hại đáng kể trên bình diện chính trị. Vì thế, có một số chuyển biến. Nhưng xu thế cơ bản của "tình đoàn kết" với phương Tây, với nhóm G7 vẫn được bảo lưu. Vì vậy, những thông tin nào đó từ Ukraina chẳng hề quan trọng gì. Nhật Bản sẽ định hướng vào lập trường chung của phương Tây. Mặc dù, tất nhiên nhóm G7 cũng có quan điểm của họ, nhưng Hoa Kỳ giữ lập trường cứng rắn hơn cả trong thái độ với Nga, mà đối với Nhật Bản thì ý kiến của người Mỹ vẫn là quan trọng hơn so với lập trường của châu Âu. Do đó, trong tương lai gần, chẳng đáng chờ đợi cái gì đó mới mẻ trong quan hệ của Nhật Bản với Nga", — chuyên viên Aleksandr Panov kết luận.