Phương châm của SPIEF —2015 là "Thời gian hành động: nỗ lực chung tới ổn định và tăng trưởng!"
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Peterburg là sự kiện quốc tế độc đáo trong thế giới của kinh tế và doanh nghiệp. Tại đây tập hợp các đại diện chính trị và kinh doanh, những nhà khoa học hàng đầu, đại diện công luận và phương tiện truyền thông từ khắp các nước. Trong 18 năm tiến hành, Diễn đàn SPIEF đã trở thành địa hạt để lãnh đạo các cường quốc kinh tế mới nổi gặp gỡ cùng nhau thảo luận và phân định về những vấn đề kinh tế then chốt đang đặt ra trước các thị trường đang lên và thế giới nói chung.
Diễn đàn tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997. Ngay trong năm sau, SPIEF đã nhận được qui chế thường niên. Từ năm 2006 SPIEF diễn ra dưới sự bảo trợ của Tổng thống LB Nga. Hoạt động của Diễn đàn được kết cấu trong hình thức phiên họp toàn thể, các "hội thảo bàn tròn", triển lãm, thuyết trình giới thiệu dự án đầu tư, các cuộc gặp và đàm phán kinh doanh. Dưới đây là một vài con số thống kê về SPIEF năm 2014: Tổng số thành viên tham gia là gần 7.600 người. Đến dự Diễn đàn có các đoàn đại biểu chính thức của nước ngoài từ 73 quốc gia. Trong khuôn khổ Diễn đàn đã ký kết 175 thỏa thuận trị giá hơn 400 tỷ rúp.
Tuy nhiên, như đã từng xảy ra không chỉ một lần (và cần nói ngay là chẳng dẫn đến điều gì tốt đẹp), bây giờ lại có chuyện chính trị cố gắng can thiệp vào kinh tế. Tiếng la ó phản bác vang lên từ đâu? Dễ hiểu là từ phía Mỹ. Chẳng hạn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Kiev Geoffrey R. Pyatt đã tuyên bố trong Twitter cá nhân về "nguy cơ" đối với những công ty Mỹ nào quyết định tham gia vào SPIEF 2015. Ông ta quả quyết rằng Nga đang "xem thường những nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế" và, do đó bây giờ không phải là lúc để "kinh doanh như thông thường". Theo quan điểm của Pyatt, các công ty Mỹ cần liên kết lại trong "lời kêu gọi có sức thuyết phục đòi Kremlin thực hiện thỏa thuận Minsk và chấm dứt chiếm đóng Crưm". Còn nếu ai đó từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ dám bất tuân mà tiến hành kinh doanh bình thường với Nga thì "sự trở lại của họ sẽ đầy rủi ro kinh tế song hành với liều mạng đánh đổi uy tín".
Trong khi đó, trên tờ báo Anh Financial Times đã xuất hiện bài viết với nhận định rằng trên thực tế lệnh cấm "de facto" của chính phủ Hoa Kỳ không cho tham gia SPIEF bây giờ đã suy yếu rõ. Năm ngoái, chính quyền Hoa Kỳ cố gây áp lực với các nhà quản lý hàng đầu trong những hãng và công ty lớn nhất của nước này, ra sức khuyến cáo họ đừng tới Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Peterburg. Quả thực một số "người khổng lồ" của nước Mỹ như Alcoa, Goldman Sachs, PepsiCo, Morgan Stanley, ConocoPhillips, VisaInc., Citigroup đã không đến Nga. Nhưng vẫn có hàng loạt công ty cử các đại diện ở cấp quản lý thấp hơn đến tham gia sự kiện tại thành phố bên sông Neva. Có thể hiểu, họ làm vậy để không chọc giận nhà chức trách mà vẫn không bị gián đoạn tiếp xúc với phía Nga.
Phải chăng chọn giải pháp như vậy còn tốt hơn là hoàn toàn vắng mặt? Đương nhiên, tham gia Diễn đàn tại thành phố bên sông Neva là việc tự nguyện, chẳng có chuyện dùng vũ lực lôi kéo hay ép buộc ai. Nhưng nếu biết lựa chọn sáng suốt thì sau đó sẽ không phải tiếc hùi hụi và than vãn rằng các đối thủ cạnh tranh bền bỉ từ châu Á lại đang vượt mặt bỏ xa người Mỹ…