Có một chi tiết đáng chú ý là tòa án này được sáng lập từ năm 1899 theo quyết định của Hội nghị hòa bình quốc tế La Hay, triệu tập theo sáng kiến của Nga Hoàng cuối cùng Nicholas II. Đây là tổ chức lâu đời nhất chuyên giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Bây giờ, năm vị thẩm phán của Tòa án La Hay sẽ xét đơn kiện của Philippines. Nước này yêu cầu tòa án phân xử ba vấn đề. Thứ nhất, đó là tính chất vô hiệu lực trong các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với biển đảo, đáy biển và dưới đáy biển trong cái gọi là "đường lưỡi bò", vượt ra ngoài lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Thứ hai, việc Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế trên các đảo đá và rạn san hô ở biển Đông trái với Công ước biển. Và thứ ba: Trung Quốc thực hiện các yêu sách trên là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.
Vụ kiện đã được Philippines đệ trình lên tòa án La Hay từ đầu tháng Giêng năm 2013. Ngay tại thời điểm đó, khi bình luận về trường hợp này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines từng cho biết rằng đất nước của ông đã áp dụng hết tất cả mọi biện pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc một cách hòa bình.
Sau hai năm rưỡi, tình huống xung đột tại biển Đông càng trầm trọng hơn nữa. Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei, và ở một mức độ nào đó, cả Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.Vậy thì tại sao chính Philippines lại đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế? Nhà khoa học chính trị Nga, Giáo sư Dmitry Mosyakov giải thích:
"Thứ nhất, đây là biểu hiện cảm xúc cao độ vốn có của người Filippines. Trong vấn đề này, họ khác hẳn các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, đang rất kiềm chế trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Còn Philippines thì luôn có thể có những động thái đột xuất. Ngoài ra, về mặt tinh thần, Philippines là quốc gia thân phương Tây nhất trong số các nước Đông Nam Á. Philippines chưa bao giờ có bất kỳ sự ngưỡng mộ nào đối với Trung Quốc với tư cách là trung tâm lịch sử và văn hóa khu vực Đông Á. Mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc thiếu chiều sâu lịch sử và chỉ dựa trên tính chất thực dụng. Đối với Philippines, quan hệ với Mỹ có giá trị hơn quan hệ với Trung Quốc. Và từ lâu Hoa Kỳ đã đã tìm cách lái xung đột lãnh thổ ở Đông Nam Á thành xung đột đa phương, thu hút các tổ chức quốc tế siêu quốc gia, nơi mà Hoa Kỳ có ảnh hưởng nổi trội, tham gia vào việc giải quyết xung đột lãnh thổ này."
Theo chuyên gia của chúng tôi, cùng thời điểm, Washington cũng đang quan tâm cao độ đến cuộc đối đầu căng thẳng ở biển Đông. Trong những năm gần đây, dễ nhận thấy Mỹ tăng cường sự tham gia của mình cả về chính trị, ngoại giao và quân sự. Sau vụ va chạm mới đây với Trung Quốc, Philippines đã kêu gọi Hoa Kỳ viện trợ quân sự mà họ từng từ chối trong những năm 90. Giáo sư Mosyakov nói tiếp:
"Đối với Hoa Kỳ, sự xoay chiều chính trị-quân sự về phía Philippines là con át chủ bài quan trọng trong cuộc chơi phức tạp diễn ra trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Thông qua Philippines, Mỹ có một công cụ mạnh để gây áp lực với Trung Quốc tại một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới."
Theo chuyên gia Nga, Washington quyết định chỉ ra cho lãnh đạo Trung Quốc thấy được át chủ bài đáng kể mà Mỹ nắm trong tay. Và Washington thực hiện điều đó bằng động thái triệt để của đồng minh Philippines.
Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của Philippines, từ chối hợp tác và không thừa nhận thẩm quyền của Tòa án trọng tài quốc tế La Hay. Toà án diễn ra mà không có mặt của đại diện Trung Quốc. Điều lệ của tòa án cho phép cơ chế như vậy.
Theo kế hoạch, tòa án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3 năm 2016.