Ông Shoigu đã kể về việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự cũ và tạo lập cơ sở mới của Nga trên các đảo Bắc Băng Dương và bờ biển Chukotka.
Liệu những chi phí rất lớn của Nga về trang bị cơ sở hạ tầng quân sự tại Bắc Cực có xứng đáng và được đền đáp hay chăng? Câu hỏi này và hàng loạt vấn đề khác gắn với sự phát triển tình hình Bắc Cực hiện nay sẽ được giải đáp qua phân tích của quan sát viên Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" Aleksandr Khrolenko.
Quả là Bộ Quốc phòng Nga sẽ xúc tiến xây dựng các chủ thể trên bờ biển và các đảo Bắc Cực, từ Đất Franz-Josef cho đến eo biển Bering. Trong thời kỳ 2016-2017 sẽ hoàn thành việc tu bổ 6 sân bay vùng Cực. Tại hai phi trường trong số này sẽ triển khai các chiến đấu cơ, bao gồm cả phản lực đánh chặn MiG-31. Khâu thám sát bảo vệ hướng Bắc Cực sẽ do hệ thống radar "Podsolnukh" (Hoa hướng dương) đảm trách. Hệ thống này có thể phát hiện, theo dõi và phân loại đến 300 mục tiêu trên biển và 100 mục tiêu trên không, thông báo cho các tàu phòng thủ hải quân và tổ hợp tên lửa ven biển. Từ năm 2012 tàu chiến của Hạm đội Bắc — lực lượng hùng mạnh nhất của Hải quân Nga — thường xuyên thực hiện các chuyến đi trong khu vực Tuyến đường biển phương Bắc, đảm bảo an toàn cho khu vực Nga ở Bắc Cực. Đến năm 2020, trong thành phần của Hạm đội Bắc sẽ có sự tham gia của những con tàu mới: 6 tàu nguyên tử đa mục tiêu cùng tàu ngầm phi hạt nhân và 13 tàu nổi với chức năng khác nhau.
Chẳng cần nói nhiều về sự giàu có của thềm lục địa Bắc Cực và tầm quan trọng của Tuyến đường biển phương Bắc, — quan sát viên Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" Aleksandr Khrolenko nhận xét. Con đường từ châu Âu đến châu Á qua Bắc Băng Dương ngắn hơn nhiều so với đi qua kênh đào Suez hoặc kênh Panama. Theo đánh giá của giới chuyên gia nước ngoài, tại thềm lục địa Bắc Cực tiềm ẩn khoảng 15% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên của toàn thế giới, — chính đặc điểm này thu hút sự quan tâm của nhiều nước, mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong đó theo truyền thống người Mỹ vẫn xem xét hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên của khu vực qua lăng kính ưu thế quân sự.
Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến Bắc Cực ngay từ năm 2009. Khi đó, Tổng thống George W. Bush đã ký chỉ thị có tiêu đề "Chính sách ở khu vực Bắc Cực". Văn kiện ghi nhận rằng "Hoa Kỳ có lợi ích cơ bản rộng lớn trong khu vực Bắc Cực về đảm bảo an ninh quốc gia". Đến năm 2013 Tổng thống Barack Obama phê duyệt "Chiến lược quốc gia ở khu vực Bắc Cực", mà ưu tiên trong đó là tăng cường an ninh quốc gia, tạo lập cơ sở hạ tầng quốc phòng tại đây. Năm 2014, Bộ Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ đã hoạch định "Bản đồ lộ trình của Hải quân 2014-2030", trong đó phản ánh khả năng xung đột vũ trang ở Bắc Cực và những nhiệm vụ cụ thể của Bộ Hải quân để đảm bảo vị thế thượng tôn của người Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang dùng các phương tiện mở rộng hoạt động theo dõi hành trình tuần tra của lực lượng không quân chiến lược Nga tại Bắc Cực. Ghi nhận gia tăng hiện diện của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại biển Barents. Tăng cường nhóm vệ tinh trinh sát, kiểm soát chính vùng cực Bắc. Đến năm 2020 dự kiến hoàn tất việc chuẩn bị đội quân Mỹ cho hành động ở Bắc Cực.
Những quốc gia Bắc Cực khác như Canada, Na Uy và Đan Mạch, cùng nhau hoặc riêng rẽ, cũng đang ráo riết cạnh tranh với Nga trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia ở vùng vĩ độ cao Bắc Cực, mở mang tại đó khả năng quân sự của họ, — quan sát viên Hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya" Aleksandr Khrolenko nhận xét. Mà ở vùng những vĩ độ cao này còn có lợi ích kinh tế của những nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
Với bối cảnh khí hậu ấm lên, việc lưu thông luân chuyển theo Tuyến đường biển phương Bắc ngày càng trở thành hiện thực. Như nhận xét của báo Nhật Bản Yomiuri, "kể từ năm 2014 Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization — IMO) tích cực làm việc để vạch qui tắc cho tàu thuyền trên Tuyến đường biển phương Bắc. Tổ chức chuyên ngành này dự kiến nâng tuyến đường lên tầm quốc tế. Tuy nhiên thời điểm hiện nay trong khu vực đang có hiệu lực của những quy tắc do Nga lập ra".
Chính điều đó khiến một số đối tác riêng biệt không vừa ý, — quan sát viên Aleksandr Khrolenko đánh giá. Tuy nhiên, bộ phận cơ bản của Tuyến đường biển phương Bắc đi qua vùng lãnh hải của Nga, một chặng dài nằm trong khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế của LB Nga. Đương nhiên Nga có quyền phân định quy tắc lưu thông và an ninh dành cho các vị khách quá cảnh.
Hiện thời còn chưa biết những cố gắng của Hoa Kỳ (và các quốc gia thân cận) để nghiên cứu chinh phục (hay chiếm lĩnh) nguồn tài nguyên của vùng Bắc Cực sẽ có kết cục như thế nào. Tuy nhiên, đã rõ là nỗ lực quốc phòng của Nga tại khu vực này có hoàn toàn mọi căn cứ xác đáng.