Trong gần 20 năm qua, tổ chức đã triển khai thực hiện số lượng lớn các đề án bảo vệ môi trường, nghiên cứu điều kiện sống trong khu vực. Đặc biệt, chú trọng đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu tới tình hình kinh tế các nước phương Bắc, ước tính những hậu quả tiềm năng từ hoạt động khai thác dầu khí ở Bắc Cực.
Nga tiếp tục giữ vai trò một đấu thủ chủ chốt trong khu vực, cũng có nghĩa là trong Hội đồng Bắc Cực, bằng sự tham gia tích cực vào công việc của tổ chức. Không những vậy, Nga còn đưa ra những sáng kiến của mình, — ông Nuritdin Inamov, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên Nga khẳng định điều này.
"Thành tựu đáng ghi nhận là việc chúng tôi đã đưa ra công cụ mới: dưới hình thức quỹ hỗ trợ Hội đồng Bắc Cực. Tất cả các thành viên của tổ chức đã tham gia đóng góp vào quĩ và nhiều nhất là Nga. Số tiền này được chi vào các dự án mà Hội đồng Bắc Cực đã thông qua. Đó là những dự án trải qua sự chọn lựa đặc biệt kỹ lưỡng. Quan trọng là chúng phải thực sự đáp ứng các nhiệm vụ được Hội đồng đề ra và phục vụ cải thiện chất lượng sinh thái trong khu vực."
Nhưng các quốc gia khác cũng hướng tầm nhìn về phía Bắc Cực. Liên minh châu Âu thông qua một chiến lược Bắc Cực của mình. Anh, Pháp và Iceland tham dự vào cuộc đấu thềm lục địa ở Bắc Băng dương bằng thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu khoa học. Nhật Bản, thậm chí các nước ở xa khu vực như Ấn Độ, Brazil cũng tuyên bố để mắt tới phương Bắc. Tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực hấp dẫn cả với Trung Quốc. Ông Alexander Ignatiev, chủ biên tạp chí "Tập san Bắc Cực" cho biết ý kiến:
"Trong số các quốc gia châu Á bày tỏ sự quan tâm hơn hết có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore. Họ có thể đến Bắc Cực tham gia các dự án phát triển khu vực, khai thác tài nguyên, đầu tư và thu lợi nhuận, thông qua sự chấp thuận của một trong số các nước "Bắc Cực". Ví dụ, Nga có sự hợp tác như vậy với Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một tiến trình các bên cùng có lợi, được điều chỉnh phù hợp pháp luật quốc tế và hiệp định ký giữa các nước."
Hàn Quốc cũng đã lựa chọn con đường của họ: trong khuôn khổ dự án quy mô "Yamal LNG" của Nga trên thềm lục địa Bắc Cực, dưới sự giám sát kỹ thuật của Nga tại Hàn Quốc đang xây dựng loạt tàu vận tải khí hóa lỏng có khả năng di chuyển trong khu vực nhiều băng.