Và có lẽ không mấy ai bận tâm nghĩ đến chuyện những lò nướng chuẩn bị món ăn đường phố này đồng thời cũng là một trong những nguồn phát xuất nguy hại đối với môi trường sinh thái đô thị. Ít ai biết các lò nướng này thải ra từ 20 đến 30% màn khói trong không khí Hà Nội. Nhưng đó là dữ liệu mà các nhà khoa học Nga và Việt Nam đã xác minh trong quá trình thực thi đề án hợp tác trong khuôn khổ của Quỹ nghiên cứu cơ bản của Nga. Mục tiêu của Quỹ này là hỗ trợ các đề án nghiên cứu, thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà khoa học và phát triển những tiếp xúc khoa học.
Quỹ được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Nga vào năm 1992, duy trì liên hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu ở Ấn Độ, Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước với mức độ phát triển cao về khoa học. Quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khởi đầu từ một thập kỷ trước đây.
Trong thời gian này, Quỹ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Việt Nam xem xét khoảng 400 hồ sơ đăng ký dự án chung nhận được từ các tập thể khoa học Việt Nam và đồng nghiệp Nga. 93 hồ sơ trong đó đã được duyệt và nhận kinh phí tài trợ. Thành viên Nga tham gia đề án là từ phía Quỹ, còn đại diện Việt Nam là từ phía Viện Hàn lâm. Mỗi đề án được trù tính cho thời hạn 3 năm, mỗi năm đều có báo cáo tiến độ thực hiện. Theo kết quả báo cáo, mức kinh phí tài trợ có thể tăng thêm hoặc cắt giảm. Thậm chí, nếu công việc không được xúc tiến đúng thì sẽ cắt và ngừng toàn bộ, nhưng sự cố như vậy chưa bao giờ xảy ra với các đề án Nga-Việt, — như Chủ tịch Quỹ, Viện sĩ Vladislav Panchenko cho biết.
Viện sĩ Panchenko nhận xét: "Các đề án chung của chúng tôi cùng với phía Việt Nam có đặc thù nhất định. Nhìn tổng thể ít gắn với lý thuyết Toán hay Vật lý, mà phần nhiều hướng tới những vấn đề thực tế y-sinh học, đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái nhiệt đới. Mặc dù mức độ đòi hỏi khi xét duyệt lựa chọn dự án đều là chặt chẽ và thống nhất như nhau đối với tất cả các nhà khoa học: dù đó là ở Đức, Hoa Kỳ, hay Việt Nam".
Một khía cạnh quan trọng trong đối tác của các nhà khoa học hai nước là Y-Sinh học, với những dự án được tài trợ nghiên cứu khả năng sử dụng tài nguyên biển và thực vật địa phương để tạo ra một lớp mới các loại thuốc và phụ gia dinh dưỡng. Đối tượng khảo sát là sự hư hại của hàng loạt vật liệu khác nhau không chỉ do ảnh hưởng khí hậu mà còn bởi tác động vi khuẩn. Kết quả nghiên cứu là những khuyến nghị chuyển tải tới các nhà sáng chế thiết bị sử dụng trong ngành hàng không và công nghiệp ô tô, cũng như trong công nghiệp quốc phòng.
Có giá trị thực tế đáng kể là công trình nghiên cứu phân tử của các sinh vật biển được dùng làm thực phẩm: điều quan trọng là làm sao để đó là các món thủy-hải sản sạch về sinh thái, không tích tụ những độc chất luôn hiện diện trong nước biển. Còn đối với nhân viên trang trại nuôi trai ngọc thì được trang bị kiến thức cần thiết về thành phần hóa học ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và chất lượng ngọc trai.
Trong chặng dài mười năm đầu tiên của sự hợp tác giữa Quỹ nghiên cứu cơ bản của Nga và Viện Hàn lâm Việt Nam, số lượng các dự án chung được tài trợ hàng năm cần nằm trong khuôn khổ hạn ngạch không quá 10 chỉ tiêu, và trên thực tế đã là 9,3 đề án/năm. Kết quả hợp tác thành công đã tạo cơ sở để tăng chỉ tiêu tài trợ lên tới 15 dự án. Điều này được qui nhận trong Thỏa thuận mới về hợp tác giữa Quỹ Nga và Viện Hàn lâm Việt Nam, vừa ký kết tại Hà Nội hồi đầu tháng Ba.