Kể từ tháng 4 năm 1965 đến cuối năm 1972, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 hệ thống tên lửa phòng không Dvina và 7.658 đạn tên lửa cho tổ hợp này. Đến tháng 1 năm 1973, trong tổng số 95 tổ hợp tên lửa chỉ còn lại 39 hệ thống Dvina sẵn sàng chiến đấu. Số còn lại - 56 hệ thống khác đã bị phá hủy hoặc hỏng hóc trong những năm chiến đấu.
Trong thời gian 7 năm rưỡi các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng các tên lửa của Liên Xô (từ năm 1965), 6806 đạn tên lửa đã được bắn vào các mục tiêu của đối phương và được thanh lý do tổn thất chiến đấu và do những trục trặc kỹ thuật. Kết quả sử dụng các tên lửa của Liên Xô trong những năm chiến tranh ở Việt Nam là như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần phải dẫn ra nhiều con số.
Trước hết phải chú ý đến thực tế rằng, chỉ có 7% tổng số quân nhân của lực lượng phòng không và không quân trong thành phần Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phục vụ trong các đơn vị tên lửa. Để so sánh: phục vụ trong lực lượng không quân tiêm kích có 5%, v trong binh chủng pháo phòng không có 80% tổng số quân nhân.
Kể từ tháng 6 năm 1965 đến cuối mùa xuân năm 1966, các sĩ quan Liên Xô đã thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào máy bay địch, rồi vào mùa hè năm 1966 họ đã được thay thế bởi người Việt Nam. Trong vài tháng đầu tiên, để bắn hạ một chiếc máy bay Mỹ đã tiêu thụ khoảng 1-2 quả đạn tên lửa. Kết quả này đạt được nhờ yếu tố bất ngờ, trong Không quân Mỹ không ai ngờ tới vụ tấn công tên lửa từ phía Việt Nam. Khá nhanh chóng Mỹ đã phản ứng: họ bắt đầu bay tới các mục tiêu ở độ cao thấp có sử dụng các khối gây nhiễu. Vì vậy, vào giữa năm 1966, để bắn hạ một máy bay địch đã tiêu thụ 3-4 đạn tên lửa. Và sau khi Mỹ lắp đặt các thiết bị gây nhiễu, thì số quả đạn tên lửa được phóng để bắn rơi một chiếc máy bay đã tăng đến 9-10.
Chúng tôi đã kể lại với các bạn về việc các chuyên gia Liên Xô đã hoàn thiện các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của tên lửa, kết quả là từ năm 1968 cho đến cuối chiến tranh, bình quân 4-5 quả đạn diệt được một máy bay.
Các đơn vị tên lửa đã bảo vệ bầu trời Hà Nội trong vụ oanh tạc Giáng sinh của Mỹ, đã bắn hạ 54 máy bay Mỹ, mà đây là hai phần ba tất cả các máy bay địch đã bị bắn rơi trong thời gian đó, kể cả 31 máy bay ném bom B-52. Mỗi chiếc máy bay mang 25 tấn bom và có thể gây ra sự chết chóc hủy diệt ghê gớm và phá hủy tất cả các tòa nhà trên diện tích tương đương 30 sân bóng đá. Tính tổng cộng, kể từ tháng 7 năm 1965 cho đến khi kết thúc chiến tranh, các đơn vị tên lửa đã bắn hạ gần 1.300 máy bay địch, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược. Kết quả của lực lượng pháo phòng không là cao hơn, họ đã bắn rơi 2.550 máy bay Mỹ. Nhưng, cần phải lưu ý rằng, các đơn vị pháo phòng không tham gia chiến đấu sớm hơn các binh sĩ tên lửa khoảng một năm. Ngoài ra, các đơn vị pháo phòng không có thể tiêu diệt máy bay địch chỉ ở độ cao không quá 5 km, tức là trên độ cao mà các phi công Mỹ buộc phải bay thấp để tránh tầm bắn của tên lửa. Nói cách khác, các đơn vị tên lửa không chỉ bắn hạ nhiều máy bay địch mà còn ép buộc máy bay Mỹ trúng hỏa lực của pháo phòng không. Như vậy có thể nói rằng, lực lượng tên lửa đã góp phần tối đa để tăng cường lá chắn phòng thủ ở Việt Nam, đã giúp làm giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất của đất nước mình.
Ký ức về những năm tháng hào hùng sẽ còn mãi mãi trong trái tim của những người từng tham gia chiến đấu. Nhà văn Hà Nội Nguyễn Văn Thọ luôn mang nỗi nhớ về các sĩ quan Nga đã phục vụ trong một đơn vị với ông, đã đổ máu đấu tranh cho tự do và sự thống nhất của Việt Nam.