Chứng tỏ về điều đó là rất nhiều bài bình luận của các chuyên gia và nhà ngoại giao của cả Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, "cách tiếp cận mới" về việc giải quyết vấn đề lãnh thổ do Thủ tướng Nhật Bản đề xuất mà phía Nga đánh giá là có tính chất xây dựng, vẫn là một bí ẩn đối với công chúng và các chuyên gia của hai nước.
Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov nhận xét rằng, rất có thể ông Abe đã đề xuất một kịch bản cũ được xử lý theo cách mới. "Không loại trừ rằng phía Nhật Bản đã đề xuất một phương án, theo đó các đảo Habomai và Shikotan được bàn giao cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, còn hai đảo Iturup và Kunashir sẽ dưới sự quản lý hành chính của Nga trong thời gian 30-50 năm", — ông Panov gọi đó là một phương án tùy chọn của phía Nhật Bản.
Trong cuộc đàm đạo với phóng viên "Sputnik", chuyên viên Viktor Pavlyatenko từ Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông nhận xét rằng, người Nhật Bản sẽ không bao giờ từ bỏ yêu cầu của mình. Theo quan điểm của họ, trong bất cứ trường hợp nào việc ký kết hiệp ước hòa bình phải kèm theo một giải pháp thỏa đáng cho họ:
"Tôi không nghĩ rằng, trong vấn đề này có thể xuất hiện bất kỳ giải pháp mang tính đột phá. Mặt khác, rõ ràng là ông Abe đã đề xuất một giải pháp nào đó với ông Putin, và sáng kiến này chưa được công bố để không khơi dậy dư luận của cả hai nước".
Ông Pavlyatenko nhắc nhở rằng, đến nay trong các cuộc đàm phán song phương, hai bên dựa vào mấy tài liệu: Tuyên bố Xô-Nhật năm 1956, Tuyên bố Tokyo năm 1993 và Tuyên bố Matxcơva năm 1998, cũng như Tuyên bố Irkutsk năm 2001.
Nếu dựa vào các văn kiện này, có thể giả định hai phương án lựa chọn. Thứ nhất — ông Abe đã giới thiệu với ông Putin một công thức truyền thống của Nhật Bản — "hiệp ước hòa bình + bốn hòn đảo" đổi lấy gói lớn các sáng kiến về hợp tác kinh tế cùng có lợi. Ở đây có một yếu tố quan trọng, đó là các biện pháp trừng phạt quốc tế đang cản trở sự phát triển kinh tế của Nga. Trong trường hợp này, Nhật Bản đơn phương xóa bỏ lệnh cấm vận, và Nga sẽ phải thực hiện các bước đáp trả. Tuy nhiên, phương án này không có gì mới mẻ. Đề xuất ntương tự đã được thảo luận vào năm 1997 tại cuộc gặp ở Krasnoyarsk giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto. Khi đó, hai bên đã thảo luận về gói văn kiện gồm 6 sáng kiến kinh tế và thậm chí đã đồng ý ký kết hiệp ước hòa bình vào năm 2000.
Theo phương án thứ hai, hai bên nên quay trở lại Tuyên bố năm 1956, trong đó xác định việc chuyển giao cho Nhật Bản hai đảo Shikotan và Habomai sau khi ký kết hiệp ước hòa bình. Giả thuyết này có vẻ là đúng bởi vì hiện nay Tuyên bố năm 1956 là tài liệu duy nhất về quy chế của quần đảo Kuril mà cả hai bên đã ký kết và phê chuẩn. Ban lãnh đạo Nga không chỉ một lần tuyên bố tuân thủ bản tuyên bố này. Có lẽ, một chi tiết mới trong phương án này là cam kết của hai bên "tiếp tục đàm phán về quy chế tương lai của Kunashir và Iturup", ví dụ, phi quân sự hóa các hòn đảo này, hoặc tạo lập ở đó một đặc khu kinh tế để các nhà đầu tư Nhật Bản được hưởng các ưu đãi đặc biệt.