Vũ khí mới này không cần thuốc nổ, mà sử dụng lực điện từ. Dòng điện trong các ray sản sinh ra từ trường giữa các thanh ray, từ trường này tương tác với dòng điện trong lõi tạo ra lực đẩy rất lớn, làm cho viên đạn bay với vận tốc đáng kinh ngạc, y như một thiên thạch trên chiến trường. Những người ủng hộ dự án này nói rằng, pháo ray điện từ sẽ giúp Mỹ chiếm ưu thế với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao.
Tuy nhiên, "vũ khí thần diệu" của Mỹ không phải là một phát minh mang tính đột phá. Chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov nói:
"Vào những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô đã từng chế tạo "pháo ray" với thiết kế khá đơn giản: viên đạn thoát ra khỏi nòng súng do sự chênh lệch mạnh của cường độ trường điện từ, chứ không phải do áp suất được tạo ra từ vụ nổ trong nòng súng. Quả đạn phóng ra khỏi nòng pháo với vận tốc siêu thanh và đây là lợi thế lớn nhất của nó so với pháo thông thường".
Tuy nhiên, để phóng ra quả đạn bằng kim loại với tốc độ siêu thanh và tạo ra lực đẩy điện từ đủ mạnh cần nguồn điện khổng lồ. Hơn nữa, pháo ray điện từ được tạo ra theo các công nghệ có sẵn hiện nay chưa thể được sử dụng trong quá trình chiến đấu. Chuyên gia Konstantin Sivkov nói tiếp:
"Pháo ray điện từ có kích thước khá lớn. Trong điều kiện hiện nay không thể lắp đặt nó trên xe tăng, không thể tạo ra một xe tự hành với pháo ray. Pháo ray điện từ chỉ có thể được đặt trên tàu chiến, ví dụ như tàu khu trục tàng hình Zumwalt có trọng tải trên 14.000 tấn. Ngoài ra, ở giai đoạn hiện nay, quả đạn nặng 11 kg được bắn ra khỏi miệng nòng pháo với vận tốc hơn 1600m/s. Đây là kết quả không đáng kể! Quả đạn nặng 20kg được bắn ra khỏi nòng pháo trên xe tăng Nga bay với vận tốc ban đầu 1750 m/s".
Chuyên gia Nga cho rằng, "vũ khí thần diệu mới" của Mỹ chỉ là một nỗ lực để lại một lần nữa lôi kéo Nga vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng lãng phí:
"Cùng với thời gian, sau khi được cải tiến rất nhiều, pháo điện từ có thể trở thành một loại vũ khí đầy triển vọng. Sau khi từ trường mạnh có khả năng phóng quả đạn với vận tốc 5-6 nghìn km/ giây (tức là rất gần tốc độ vũ trụ), thì pháo ray điện từ sẽ được quan tâm. Còn bây giờ đây chỉ là một thiết bị thử nghiệm. Chưa có dù một mẫu pháo ray điện từ có thể tạo ra một bước đột phá".
Nhân tiện xin nói luôn, pháo ray rất dễ bị tổn thương. Sau khi bắn ra quả đạn, nó phát ra các sóng điện từ và bức xạ nhiệt mạnh, kết quả là các trạm radar của đối phương dễ "phát hiện" tàu khu trục tàng hình với nó. Tất nhiên, ngay lập tức sẽ có đòn đáp trả đường không hoặc trận pháo kích trả đũa. Như vậy, đợt bắn pháo đầu tiên sẽ là đợt bắn cuối cùng.