"Chủ đề này bắt đầu được "cường điệu hóa" ngay sau khi Philippines đệ đơn kiện. Đáng lẽ, với sự giúp đỡ của các cơ chế pháp lý quốc tế có thể giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm nay xung quanh quyền sở hữu các đảo ở Biển Đông. Bởi vì nhiệm vụ của pháp luật quốc tế là giải quyết các cuộc xung đột bằng những biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đơn kiện lên Tòa Trọng tài quốc tế chỉ làm gia tăng cuộc xung đột nguy hiểm.
Đội tàu chiến của Hải quân Mỹ đã vào vùng Biển Đông. Washington không chỉ khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông mà còn điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở vùng này. Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập hải quân có quy mô lớn chưa từng thấy, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng nếu họ tiếp tục những hành động mang tính khiêu khích thì có thể sẽ dẫn đến xảy ra tình huống nguy cấp nghiêm trọng. Các nước thành viên ASEAN cũng chưa đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Tòa án trọng tài đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của các bên, mà trong trường hợp này thì không có. Trung Quốc ngay từ đầu tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA. Xét theo lời tuyên bố đó, quan điểm của Bắc Kinh là dứt khoát, và tôi không biết cần làm gì để Trung Quốc thay đổi lập trường của họ. Có vẻ là trong trường hợp với Toà án Hague những nỗ lực giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ phản tác dụng. Và phán quyết sắp tới của Tòa án Hague sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực".