— Tôi nghĩ lý do chính là sau khi ông Abe trở lại nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản bước vào một giai đoạn khá ổn định. Trước đó, Thủ tướng bị thay đổi thường xuyên, hầu như hàng năm. Yếu tố này tác động tiêu cực tới tình hình chính trị trong nước và nền kinh tế, cũng như uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế. Với Shinzo Abe, người Nhật đã có sáu năm bình yên. Nền kinh tế có nhược điểm nhưng vẫn hoạt động. Tình hình chính trị trong nước không bị xáo động. Không phe đối lập nào lúc này đủ sức cạnh tranh trong các vấn đề kinh tế cũng như xã hội. Đồng thời, ông Abe đề ra loạt mục tiêu chính trị đối ngoại đầy tham vọng. Ví dụ, xét lại Điều 9 của Hiến pháp hòa bình. Tuy nhiên, thủ tục sửa đổi bộ luật cơ bản của đất nước là không đơn giản, để hoàn chỉnh cần có nhiều thời gian. Dễ thấy là ông Abe sẽ không kịp làm điều này trước năm 2018. Có cả những động cơ khác. Một trong những nhiệm vụ đặc biệt mà Thủ tướng Abe kỳ vọng là giải quyết vấn đề lãnh thổ với Nga hoặc ít nhất đạt sự tiến bộ đáng kể trong quá trình đàm phán. Điều này cũng đòi hỏi thời gian."
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đề xuất sửa đổi Hiến pháp cho phép người đứng đầu nhà nước được ứng cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo bà, rõ ràng nhiệm kỳ 5 năm mà Hiến pháp Hàn Quốc qui định từ năm 1987 là thời gian ngắn và hạn chế hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.
Chuyên gia Konstantin Asmolov, Viện Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga đã chỉ ra những nhược điểm của một nhiệm kỳ tổng thống ở Hàn Quốc:
"Theo Hiến pháp Hàn Quốc thì những sửa đổi mới sẽ không liên quan đến Tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye. Chớ hiểu đề xuất của bà Park Geun-hye là mong muốn chiếm giữ lâu hơn vị trí hiện nay. Đơn giản là giới chính trị đã nhận thức thấy trong 5 năm khó thể thực hiện các chương trình dài hạn. Như một qui luật, tổng thống mới thường lập tức điều chỉnh hoặc hủy các sáng kiến của người tiền nhiệm. Dù cho họ cùng một phe. Ngoài ra, công việc thông thường trong một năm rưỡi đầu tiên của tân tổng thống sẽ là sắp xếp cộng sự vào vị trí quan trọng để thay thế di sản của người tiền nhiệm. Năm cuối nhiệm kỳ, như người Mỹ hay nói, tổng thống trở thành "con vịt què". Như vậy, thời gian làm việc có hiệu quả thực tế không nhiều hơn hai năm rưỡi."
Tuy nhiên, thời gian này đủ để bà Park Geun-hye thông qua quyết định cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Động thái này gây nên nhiều cuộc biểu tình, nhưng chính phủ lý giải đây là bước cần thiết để đối phó với mối đe dọa tên lửa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Nó cũng là một trong những lý do để ủng hộ việc gia hạn nhiệm kỳ tổng thống: sự thay đổi quyền lực ở Seoul 5 năm một lần cản trở việc thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
"Lúc này người ta hay nói tới áp lực với Bắc Triều Tiên và sự phát triển kinh tế, — ông Konstantin Asmolov phân tích. — Dù thế nào đi nữa, chính sách của tổng thống kế nhiệm sẽ khác với chính sách hiện tại. Vấn đề không chỉ ở hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Nếu dự án này cũng như loạt dự án lớn khác không kịp triển khai và hoàn thành trước khi bà Park Geun-hye hết nhiệm kỳ, chúng có thể bị tổng thống kế nhiệm từ chối hoặc sửa đổi."