Giới chức Việt Nam đã yêu cầu phía Nga cung cấp dữ liệu về tính năng kỹ, chiến thuật và mức giá của tàu lớp này.
Tàu "Delphin" do Cục thiết kế hàng hải Almaz ở Saint-Petersburg phát triển. Hiện nay, chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này mang tên Igor Belousov — một kỹ sư đóng tàu lỗi lạc — đã được biên chế cho hải quân Nga.
Thật vậy, chiếc tàu này có những đặc tính đáng chú ý. "Delphin" có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn, chiều dài — khoảng 100 mét, chiều rộng — 17 mét. Có khả năng đạt tốc độ 15 hải lý (28 km/giờ), có khả năng hoạt động với hải trình đến 3.500 dặm. Thuy thủ đoàn gồm khoảng 100 người. Tuy nhiên, lợi thế chính của "Delphin" là thiết bị kỹ thuật phục vụ mục đích chính — tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm. Trong một cuộc phỏng vấn với "Sputnik", Tổng công trình sư chế tạo tàu này Alexander Forst cho biết:
"Vào những năm 1960, các tàu cứu hộ của Liên Xô đã được công nhận là đội tàu tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. Đáng tiếc, sau đó những truyền thống này đã bị mất mát, suy giảm. Tuy nhiên, những kinh nghiệm phong phú tích lũy được trong nhiều thập kỷ trong lĩnh vực cứu hộ trên biển được thể hiện trong lớp tàu mới. Con tàu mới được thiết kế để thực hiện các loại hoạt động cứu hộ có sử dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất: radar, sonar, các phương tiện hàng không nhằm tìm kiếm con tàu gặp nạn, các phương tiện hàng hải, thông tin liên lạc. Về mặt này, "Delphin" sánh ngang với các tàu cứu hộ hiện đại của nước ngoài: Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Trung Quốc. Tuy nhiên, "Delphin" có những đặc tính độc đáo. Đầu tiên — tàu có khả năng thực hiện chuyến hải trình dài hơn trong khi thực hiện các công việc với thiết bị lặn nước sâu. Đặc tính thứ hai của "Delphin" — các loại thiết bị lặn và cứu hộ, buồng áp lực để các thợ lặn có thể an toàn xuống độ sâu và cứu hộ các thủy thủ bên trong tàu ngầm gặp nạn. Đặc tính thứ ba — một hệ thống năng lượng thống nhất. Hai trạm điện (gồm 6 máy phát điện diesel) được bố trí trong các khoang khác nhau, nhưng làm việc như một nhà máy điện, đảm bảo cung cấp điện với độ tin cậy cao nhất".
Trên tàu "Delphin" có hai tàu ca nô cứu hộ cao tốc "Katran" mà Nga đã phát triển.
"Những chiếc tàu ca nô được trang bị các loại thiết bị đặc biệt có khả năng phục vụ công tác cứu hộ các thủy thủ bị đắm dưới nước, thậm chí những người bị thương và bị bất tỉnh. Công suất các động cơ là đủ để kéo phao bè cứu sinh từ con tàu gặp nạn", — ông Alexander Forst giải thích thêm cho Sputnik.
Một lợi thế không thể chối cãi của tàu Nga là thiết bị lặn nước sâu "Bester" có thể lặn tới độ sâu 720 mét và có khả năng cứu nạn khi độ nghiêng lên đến 45 độ. Trong một đợt lặn nước sâu, "Bester" có thể chở 22 thủy thủ bị nạn.
"Cơ sở thiết kế "Bester" là Phòng thiết kế Trung ương "Lazurit" (thành phố Nizhny Novgorod). "Delphin" đưa xuống nước và nâng lên mặt nước thiết bị này. "Bester" xuống độ sâu, xác định chính xác vị trí tàu ngầm gặp nạn, kết nối với nó, rồi "bám" vào khoang cứu hộ tàu ngầm, mở cửa thoát hiểm và giúp cho thủy thủ đoàn di chuyển vào thiết bị cứu hộ. Sau đó "Bester" lên mặt nước. Nhân tiện xin nói luôn, tàu "Delphin" được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, kể cả phẫu thuật". — ông Alexander Forst cho biết.
Trên "Delphin" cũng có công cụ cứu hộ đặc biệt được gọi là "chuông lặn" hiện đại nhất, có tàu lặn không người lái được điều khiển từ xa, các bộ quần áo lặn đặc biệt. Có cả sân bay trực thăng và thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Chiếc tàu đầu tiên lớp "Delphin" chính thức nhận nhiệm vụ trong biên chế Hạm đội Thái Bình Dương đã tham gia vào các cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển.
"Kết quả các cuộc diễn tập cho thấy rõ rằng, các đặc tính thiết kế của con tàu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của người đặt hàng. Trong các bài tập "Bester" đã xuống độ sâu cao để cứu hộ các "nạn nhân", đưa các thủy thủ vào buồng áp lực. Kết quả của các bài tập cho thấy rõ rằng, về một số đặc tính, "Delphin" vượt trội đáng kể các tàu cứu hộ tương tự của nước ngoài ", — ông Alexander Forst cho biết.