Những gì đã gây ấn tượng với du khách Nga đến Việt Nam cách đây một thế kỷ?

© Flickr / manhhaiBến xe kéo tay tại Sài Gòn những năm 1901-1905
Bến xe kéo tay tại Sài Gòn những năm 1901-1905 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chúng tôi đã giới thiệu với các bạn những trải nghiệm của các nhà du hành Nga mà ngày nay ta gọi là khách du lịch, từng đến thăm Việt Nam vào thế kỷ XIX.

Họ khác nhau về tuổi tác, địa vị xã hội và thậm chí quan điểm chính trị. Tuy nhiên, tất cả đều có ấn tượng tốt về đất nước và con người Việt Nam. Trong các ký sự du lịch được công bố ở Nga, không một tác giả nào dùng đến dù chỉ một câu từ nhạo báng nhân dân và các anh hùng dân tộc của Việt Nam, xuyên tạc lịch sử hay giễu cợt các tập tục, truyền thống. Với mức độ khách quan cao, họ thuật lại cho người đọc về cuộc sống sinh hoạt của người Việt Nam, về diện mạo đất nước, mô tả chi tiết điều kiện địa lý và khí hậu, hệ động thực vật. Có thể nói, từ khi ấy người Nga đã có không ít cơ hội làm quen vắng mặt với Việt Nam.

Sài Gòn, 1906 - Sputnik Việt Nam
Giáo sư Nga đã nhầm lắm chăng?

Vào thế kỷ XX, người Nga đầu tiên thăm Sài Gòn là nhà khoa học Nga Erickson. Ký sự du hành của ông đã được đăng tại Moskva năm 1901. Học giả Erickson đã mô tả tuyến đường thủy dẫn đến Sài Gòn, những thuyền chài đánh cá, cung cách lái thuyền, lối ăn vận của ngư dân, đồ dùng trên những căn nhà biết bơi của họ. Độc giả như tận mắt chứng kiến những túp lều ven bờ sông dựng trên cọc, cảm nhận bầu không khí hải cảng. Nếu nhà văn Nga Krestovskiy thăm Sài Gòn hai thập kỷ trước đó ghi nhận "thành phố nằm lệch các tuyến hàng hải và tàu thuyền chỉ ghé vào trong trường hợp đặc biệt", thì học giả Erickson đã được thấy bức tranh rất khác: hàng chục những con tàu và dãy sà lan.

Nhà văn Krestovskiy như được đề cập đã viết: bước chân lên bến hành khách khó khăn mới tìm được chiếc xe kéo duy nhất. 20 năm sau, ông Erikson đã bắt gặp những chiếc xe kéo náo nhiệt bủa vây khách rời tàu. Du khách Nga tham quan thành phố trên một chiếc xe như vậy. Ông mô tả chi tiết về những con phố và đại lộ Sài Gòn, thảm thực vật nhiệt đới, những công trình đẹp nhất của thành phố mà dĩ nhiên có tòa bưu điện, nhà thờ Công giáo và nhà hát. Ông bị lôi cuốn bởi sự phong phú hàng hóa tại các chợ, những người thợ hớt tóc trên hè phố, kiểu chải tóc của phụ nữ Việt Nam. Ông cũng giới thiệu người đọc với hình dáng của người bản xứ, kể về tính cách hiền lành, về âm thanh ngôn ngữ nhẹ nhàng, du dương, lưu ý đến một Sài Gòn sạch sẽ, chuyện lạ với các thành phố ở phía Nam. Chuyện kể của ông về vườn thực vật rực rỡ chẳng khác gì một phóng sự truyền hình ngày này. Học giả Erickson đã giới thiệu độc giả với hàng chục thực vật có kích thước khổng lồ mà ở Nga hoặc không ai biết hoặc chỉ biết như giống cây cảnh trồng trong nhà. Ông cũng kể về hổ, voi, khỉ, trâu, cá sấu và rắn. Tất cả những gì được thuật lại tỉ mỉ là kết quả quan sát một ngày sống ở Sài Gòn của học giả Erickson vào năm 1901. Độc giả Nga đã được biết tất cả những điều này qua ký sự của nhà khoa học.

Vào năm 1903 tại St Petersburg xuất bản những ghi chép của viên sĩ quan trẻ tuổi Piotr Krasnov thuật lại chuyến du hành châu Á. Có một ký sự được dành riêng cho Sài Gòn. Nhưng sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, không ai còn cơ hội tiếp cận với những cuốn sách của Piotr Krasnov: chúng đã bị tịch thu khỏi các thư viện.

Nguyên nhân là sau cuộc cách mạng 1917, Trung tướng Quân đội Sa hoàng Piotr Krasnov trở thành một trong những người tổ chức cuộc đấu tranh vũ trang chống chính quyền Xô viết. Năm 1920, ông di cư sang Đức và trong Thế chiến II Piotr Krasnov đã cộng tác với Đức Quốc xã. Bị bắt sau khi Đức bại trận, năm 1947 Piotr Krasnov đã bị xử tử theo phán quyết Hội đồng quân sự Tòa án tối cao Liên Xô.

Chỉ sau khi sự Liên Xô tan rã, ở Nga mới in lại một số tác phẩm văn học của Krasnov, trong đó có ký sự về Sài Gòn, nơi nhà văn đã dừng chân vài ngày. Vậy ông có những ấn tượng gì về nơi đây? Ví dụ, khu người Pháp của Sài Gòn là "thị trấn hưng thịnh" được vây quanh bởi "những túp lều tranh tội nghiệp của người Việt Nam". Krasnov là du khách Nga đầu tiên kể về cuộc gặp với đồng bào mình ở Sài Gòn.

Sài Gòn năm 1896 - Sputnik Việt Nam
Đến với Sài Gòn cách đây 122 năm

Trên bến cảng ông đã trông thấy tàu khu trục Amur của Nga ghé vào mua hàng. Khi đến Vườn Bách thảo, ông bỗng nghe thấy những giọng nói Nga. Một nhóm thủy thủ tàu Amur trong những chiếc sơ mi trắng tinh đang đứng bên hồ nuôi cá sấu. Trò chuyện với họ, ông Krasnov được biết đây là lần đầu tiên trong đời những người lính thủy tận mắt trông thấy cá sấu, mặc dù từng nghe nói về quái vật này. Theo lời khuyên của nhà văn, họ đã tới xem voi và báo.

"Vào buổi tối, — ông Krasnov viết, — tôi thấy mười lăm thủy thủ này đi theo đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi — Sputnik) để về tàu. Trong họ không một ai say rượu. Họ cư xử lịch sự. Không có thái độ cử chỉ khiếm nhã. Như sợ trễ tàu, họ sải bước dưới lòng phố chứ không theo vỉa hè nhưng không va chạm bất cứ ai, nhường đường cho người khác."

Và tối hôm đó, ghé một quán cà phê gần nhà hát uống tách trà, ông Krasnov bắt gặp ở bàn bên một nhóm thủy thủ Pháp. "Họ uống rượu absinthe, — ông viết, — quần áo bẩn thỉu, cử chỉ lỗ mãng, nói năng tục tĩu. Cầu Chúa đừng để người lính Nga sống càn quấy như vậy!"

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала