Nhiều người cho rằng, bản thân việc Chính phủ trình quốc hội nội dung này được bổ sung đột xuất vào chương trình nghị sự của kỳ họp này là một hành động "dũng cảm". Thật vậy, ở đây nói về số phận của một dự án đầy tham vọng được phát triển ở Việt Nam từ năm 2009 nhằm sản xuất điện năng lấy từ năng lượng hạt nhân. Ở giai đoạn đầu, dự án này có liên quan tới Nga và Nhật Bản — hai nước có kế hoạch xây dựng bốn lò phản ứng đầu tiên trong tổng số 13 lò phản ứng ở Việt Nam.
Những người ủng hộ việc dừng dự án hạt nhân dẫn ra những lập luận nghiêm túc. Ví dụ, ở Việt Nam giảm mức gia tăng tiêu thụ điện năng hàng năm từ 22% — con số vào thời điểm tạo ra dự án — xuống còn 8% đến năm 2030. Ngoài ra, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế và thâm hụt ngân sách, vì thế buộc phải phân tích kỹ lưỡng, thậm chí xem xét lại các dự án lớn đã được phát triển trong thời gian tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Tuy nhiên, có một quan điểm khác. Bình luận về tình hình với dự án này, Tiến sĩ Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết:
Bảy năm sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản và LB Nga, dự án đã bị đề xuất tạm ngưng do việc thắt chặt ngân sách chính phủ. Việc nói ‘Không' với năng lượng hạt nhân hay chỉ giải pháp ngưng tạm thời vẫn đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Vấn đề đặt ra hiện tại là: "Trong tương lai gần, hủy bỏ dự án nhà máy điện hạt nhân là điều đáng tiếc, vì sớm hay muộn chúng ta vẫn thấy sự cần thiết của năng lượng hạt nhân".
Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu — COP21, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ tích cực thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm giảm khí nhà kính và hợp tác xử lý hậu quả của nước biển dâng vào cuối thế kỷ 21.
Cụ thể, Việt Nam sẽ cố gắng giảm thiểu lượng khí thải CO2 xuống ít nhất 8% trong năm 2030 và có thể nhiều hơn nữa cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Theo dự báo, vào cuối thế kỷ này nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì sẽ nhấn chìm gần 40% của đồng bằng sông Cửu Long và hơn 10% của đồng bằng sông Hồng trong biển nước.
Do đó, ngành điện phải được chú trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động với mức tiết kiệm lý tưởng, với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho công cuộc hiện đại hóa, nhưng vẫn có thể bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Nhưng với những dự báo đưa ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII), cho thấy chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu này. Mục tiêu này càng khó khả thi hơn nếu như Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Các nhà máy nhiệt điện đã và đang gây ra rất nhiều vấn đề về môi trường. Mỗi năm các nhà máy nhiệt điện lớn có thể phát ra một triệu tấn tro và bụi.
Mặc dù hiệu ứng nhà kính gây ra do nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá là điều hiển nhiên và trông thấy, trong điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VII, từ năm 2015 — 2020 nhiệt điện vẫn đóng góp 33% đến 50% và vẫn giữ ở mức khoảng 50% đóng góp vào lưới điện quốc gia. Việc này sẽ gia tăng đáng kể các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và môi trường quốc gia.
Chính phủ đã và đang phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời, theo Quy hoạch điện VII, chính phủ sẽ cố gắng nâng gấp đôi tổng sản lượng điện của hệ thống này vào năm 2030 và gấp đôi một lần nữa vào năm 2050. Tuy nhiên, chi phí xây lắp hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời vẫn còn khá cao, và bị lệ thuộc vào những yêu tố thiên nhiên. Ví dụ, có nhiều lý do khác nhau để Việt Nam không thể dựa vào năng lượng tái tạo một cách hoàn toàn, việc xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời rất tốn kém cũng như nhà máy điện mặt trời chiếm diện tích quỹ đất lớn hơn các nhà máy nhiệt điện 10 lần. Hơn nữa, tất cả các nguồn tài nguyên tái tạo phụ thuộc vào các yếu tố thiên nhiên và điều đó không ổn định.
Trên thế giới, Đan Mạch là quốc gia duy nhất có kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo (năng lương gió và năng lượng mặt trời). Tuy nhiên, đây là một quốc gia giàu có với dân số ít, do đó, không khó gì để đầu tư cho kế hoạch như vậy. Thực tế, không một quốc gia nào có dân số trên 50 triệu có thể thực hiện kế hoạch này. Nhật Bản là quốc gia rất quan tâm đến năng lượng tái tạo nhưng họ vẫn nhập khẩu than và đang cố gắng để khôi phục lại điện hạt nhân.
Năng lượng tái tạo là một giải pháp để giảm thiểu lượng khí thải từ nhiệt điện, một mặt khác để thay thế hoàn toàn nguồn năng lượng ô nhiễm này, chúng ta phải thực tế nhìn nhận: Việt Nam không thể phụ thuộc vào những nguồn năng lượng này và cần phải đưa ra những giải pháp khác.
Trong trường hợp này, điện hạt nhân là một nhân tố đóng góp cho việc đảm bảo năng lượng quốc gia và phát triển năng lượng bền vững nhờ vào hiệu quả của nó. Sự phát triển của điện hạt nhân ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với xu hướng toàn cầu trong thế kỷ 21 trong việc chống lại biến đổi khí hậu cũng như vẫn đảm bảo năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng hạt nhân đi kèm với nhiều lợi ích như: hoàn toàn không phát thải khí CO2, bụi và các khí khác gây ô nhiễm trong quá trình vận hành, các nhà máy điện hạt nhân có thể được xây hàng loạt và thậm chí một nhà máy nhỏ có thể sản xuất điện với công suất rất lớn, người dân ở xung quanh khu vực nhà máy sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, khí nhà kính, bụi hoặc các chất ô nhiễm liên quan. Đây là một hệ thống năng lượng "sạch", một sự thay thế lý tưởng cho các nhà máy nhiệt điện than.