Nga từng đứng ở cội nguồn hoạt động chế tạo các công nghệ đánh chặn và đè bẹp tín hiệu khác nhau của đối phương. Những công cụ TCĐT đầu tiên, tuy với hình thức rất sơ khai, đã được Hải quân Đế chế Nga áp dụng trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1904. Các đài phát của tàu Nga đã gây nhiễu phá hoại trao đổi điện tín giữa các tàu Nhật Bản.
Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, rồi chiến sự ở Bắc Kavkaz những năm 1990-2000 đã tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển khái niệm phương pháp mới đối phó và vô hiệu hóa tín hiệu từ hệ thống vệ tinh do thám của đối phương, các tín hiệu liên lạc, dẫn đường, trung tâm tấn công không gian mạng. Hôm nay có mọi cơ sở để nói rằng: các tổ hợp công nghệ cao của Nga chuyên do thám vô tuyến và áp chế liên lạc vô tuyến của đối phương vượt trội đối thủ nước ngoài trên nhiều phương diện.
Trong số đó có tổ hợp đa năng cơ động cao Borisoglebsk-2. Công cụ sẽ được trang bị cho đại đội TCĐT trong thành phần các lữ đoàn bộ binh cơ giới. Tổ hợp có khả năng thực hiện do thám điện tử, gây nhiễu làm đối phương mất lập tức "câm", "điếc" và "mù". Ông Daniel Gatilov — đại diện của Tổng công ty Chế tạo máy, hợp nhất các cơ cấu nghiên cứu sản xuất công nghiệp điện tử hàng đầu ở Nga, cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
"Tổ hợp Borisoglebsk-2 của chúng tôi là sản phẩm hứa hẹn trở thành nền tảng kỹ thuật cho các đơn vị TCĐT của Lực lượng Vũ trang LB Nga. Nhiệm vụ của nó là tìm kiếm và vô hiệu các nguồn, kênh liên lạc vô tuyến, điện thoại di động của đối phương tiềm năng. Tổ hợp vừa tìm phương vô tuyến các nguồn từ mặt đất vừa phát hiện liên lạc điện tử ở khoảng cách hơn 20 km. Xét về tính năng kỹ thuật và gây nhiễu điện tử, hiện nay Borisoglebsk-2 không có sản phẩm cạnh tranh ở Nga cũng như nước ngoài. Đội ngũ đông đảo chuyên gia các xí nghiệp của chúng tôi đã góp sức chế tạo tổ hợp: từ các kỹ sư "trường phái cũ" đến những người được gọi là thế hệ trẻ có "bộ óc sáng suốt". Khối lượng công việc đồ sộ và vô cùng phức tạp đã được thực hiện, đòi hỏi rất nhiều thời gian."
Đương nhiên, Nga không xuất khẩu tất cả các sản phẩm công nghệ cao và các sáng chế công nghiệp quốc phòng. Nhưng tiềm năng kinh doanh các tổ hợp TCĐT là có và địa lý khách hàng khá rộng, — ông Daniel Gatilov giải thích:
"Tất nhiên là doanh thu bán các hệ thống TCĐT không thể sánh với nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Nhưng đây là những sản phẩm "độc"… Do thám điện tử trên thế giới luôn là chủ đề nóng hổi. Vì thế mà tổ hợp của chúng tôi rất thú vị với khách hàng nước ngoài — các nước Trung Đông, châu Á và Nam Mỹ. Các tổ hợp TCĐT mô hình xuất khẩu của chúng tôi sẽ được lắp ráp và ghép bộ dựa vào nhu cầu của người đặt mua."
Quyết định cuối cùng về ký hợp đồng bán sản phẩm chiến lược quan trọng là trách nhiệm của nhà xuất khẩu Rosoboronexport.