Trong đó có quân sự. Ông Abe tuyên bố sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra để bảo vệ an ninh của đất nước trên biển.
Việt Nam là nơi Thủ tướng Nhật Bản đến thăm để kết thúc chuyến công du của ông trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ. Tại cả bốn quốc gia — Philippines, Indonesia, Australia và Việt Nam — chủ đề chính của các cuộc đàm phán là an ninh và tăng cường hợp tác thương mại với Nhật Bản.
Tại sao chính vào lúc này và tới những nước này?
Sputnik đã nêu câu hỏi đó khi phỏng vấn một chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản của Việt Nam là PGS-TS Đặng Xuân Kháng từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyên gia Đặng Xuân Kháng nhận xét:
"Philippines, Indonesia, Australia và Việt Nam là những nước có vị trí quan trọng trong chiến lược khu vực của Nhật Bản. Việc ông Abe đến thăm bốn nước này trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ có khả năng thực thi đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cho thấy động thái của Tokyo — muốn hình thành một liên minh nhằm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, ít nhất là trong vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở đó, Nhật Bản từng bước nâng cao vị thế chính trị của mình".
Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia Việt Nam nêu ý kiến:
"Philippines là quôc gia dừng chân đầu tiên của ông Abe có vị trí then chốt trong việc tranh chấp hải đảo ở Biển Đông. Vì vậy, việc chọn đến Philippines đầu tiên cho thấy cái nhìn của ông Abe, cho rằng nước này không hoàn toàn chạy sang phía Trung Quốc như ông Duterte có lần tuyên bố.
Cũng như vậy, Australia và Indonesia là những quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong việc duy trì an ninh khu vực và là một yếu tố hết sức quan trọng trong mục tiêu hình thành mạng lưới cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực của Nhật Bản.
Như vậy, trong bối cảnh lập trường chưa rõ ràng từ phía chính quyền mới của Hoa Kỳ, ông Abe tranh thủ đảm nhiệm vai trò tích cực hơn ở Đông Nam Á và cho các quốc gia trong khu vực yên tâm về sự lựa chọn của họ thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Có thể nhận xét ngắn gọn về chuyến thăm của ông Shinzo Abe những ngày này là trấn an và cam kết. Còn nội dung và kết quả cụ thể ở mỗi nước mà ông tới thăm tùy thuộc vào quan hệ của Tokyo với quốc gia đó và sự đón tiếp của nước chủ nhà", — chuyên gia Đặng Xuân Kháng kết luận.
Cùng nội dung này, có một tuyến quan điểm khác là ý kiến của chuyên gia Nga, GS-TSKH Vladimir Kolotov Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Đông Á thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Sankt-Peterburg. Chuyên gia Nga cho rằng nỗ lực của Nhật Bản để đóng vai trò tích cực trong tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông là dấu hiệu đáng ngại.
"Ở bản thân Nhật Bản cũng đang hiện hữu những tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết xong với tất cả các nước láng giềng, và khi họ cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình về chuyện này thì thật khó hiểu. Hiện giờ Nhật Bản đang theo đuổi đường lối hướng đến phục hưng lực lượng vũ trang, tức là trái với Hiến pháp. Và sự hồi sinh vai trò quân sự của đất nước Đông Á này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn, như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, khi Nhật Bản ở vị thế kẻ xâm lược. Nhật Bản là đối tác thụ động của Hoa Kỳ, và nếu cần phải giải quyết vấn đề nào đó trong lĩnh vực an ninh phải nói chuyện trực tiếp với phía Mỹ.
Năm 2017 sẽ có một thế giới mới, nơi mà vai trò của Hoa Kỳ sẽ là lớn, nhưng khác xưa, — chuyên gia Nga nhận xét. Khu vực Đông Á — là cả một chuỗi các tranh chấp lãnh thổ thực sự nan giải. Người Mỹ đã không cho phép giải quyết, để nắm quyền kiểm soát điều khiển khu vực từ xa. Nếu bây giờ sự can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực giảm đi, nếu tình hình diễn ra theo con đường thực tế phục hồi chủ quyền của các quốc gia và loại bỏ khỏi khu vực này tất cả các căn cứ quân sự của nước ngoài, thì sẽ tạo ra cơ sở tối ưu để giải quyết tất cả các tranh chấp một cách hòa bình và biến khu vực này thành vùng hòa bình và ổn định. Các nước châu Á có thể giúp đỡ nhau trong việc giải quyết những vấn đề hệ trọng và cấp thiết như bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và nghèo đói v.v…Các nước này giải quyết những vấn đề trên vì lợi ích của thế giới và của những thế hệ tương lai. Và các chính trị gia nào có thể làm điều đó hẳn sẽ được ghi danh bằng chữ vàng trong lịch sử đất nước họ. Nhưng liệu các nhà lãnh đạo châu Á có muốn đi tới đích đó? Hay tiện lợi hơn cả vẫn là núp dưới chiếc ô Mỹ?", — chuyên gia Kolotov nêu nhận xét.