Các bài viết về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo hàng đầu của phương Tây. "Hợp tác tùy theo hoàn cảnh chứ không đầu hàng". Trang mạng East Asia Forum đăng tải bài viết với đầu đề này. Bài viết về những thay đổi trong sự tương tác giữa hai nước. Tác giả ghi nhận rằng, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về "đường 9 đoạn" ở Biển Đông. Theo quan điểm mới, mà tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc đã giải thích thêm về lập trường này, bây giờ Bắc Kinh không có tham vọng đối với các nguồn tài nguyên năng lượng bên trong "đường 9 đoạn". Không phải ngẫu nhiên mà đến nay Trung Quốc vẫn không nói lên những lời chỉ trích dự án hợp tác lớn giữa Exxon và Petrovietnam về khai thác các mỏ khí trên thềm lục địa nằm gần ranh giới " đường lưỡng bò". Bài báo viết, điều này loại bỏ một yếu tố quan trọng gây căng thẳng trong quan hệ Trung-Việt.
Trang tin Geopolitical Monitor đăng bài phân tích về sự phát triển sức mạnh Hải quân của Việt Nam. Một bước tiến quan trọng trong quá trình này là việc Việt Nam mua các tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Sau khi phân tích tình hình hiện nay ở Biển Đông, tờ báo rút ra kết luận: "Cùng với thời gian chúng ta có thể thấy rõ rằng, các lợi ích cơ bản của Hà Nội là đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản và an toàn hàng hải hơn là chuẩn bị giáng trả vụ tấn công bị ảo giác từ phíaTrung Quốc."
"Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới", tờ báo viết. Có nhiều yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt so với các nước ASEAN khác. Đây là chiến lược đa dạng hoá, kể cả đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp và đa phương hóa thị trường xuất khẩu. Đây là dân số Việt Nam tăng nhanh với nguồn nhân lực trẻ tài năng. Đây là vị trí địa lý của Việt Nam cho phép phát triển thương mại đường biển với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Đây là chi phí vận hành tương đối thấp và lao động giá rẻ, đặc biệt khi so sánh với nước láng giềng khổng lồ phía Bắc. Vì thế Việt Nam là đất nước rất hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2017, Việt Nam có kế hoạch tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm mới, trong đó có 105 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tờ News Ghana viết.
Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam là ngành du lịch. Các bài viết về sự phát triển của ngành này được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông nước ngoài. 1 triệu 7 trăm nghìn khách du lịch đã đến thăm đất nước này vào tháng Giêng năm 2017, lượng khách du lịch tăng thêm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến năm 2020, Việt Nam dự kiến tiếp nhận 17 triệu khách du lịch quốc tế và 82 triệu khách du lịch nội địa. Tức là sẽ đóng góp khoảng 10% GDP, tờ TTR Weekly viết.
Còn tờ The Sun Daily và tờ L'Echo Touristique lưu ý rằng, thị thực điện tử có giá trị một lần, không quá 30 ngày, áp dụng với công dân của 40 quốc gia có thể trở thành một bước đột phá của ngành du lịch Việt Nam. Kết quả của kinh doanh du lịch không chỉ là lượng du khách, mà còn những ấn tượng sâu sắc về Việt Nam, nhiều tờ báo nước ngoài nhấn mạnh điều đó. Có lẽ, bài báo nổi bật nhất là bài ngắn vui cười dí dỏm về cách sang đường tại thành phố Hồ Chí Minh, được đăng tải trên tờ Ballarat Courier của Australia
Cuối bài điểm báo là những tin tức mới nhất về y tế. Ở Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp mới nhiễm virus Zika, nó được lây truyền do loài muỗi Aedes và là đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, tờ CNBC báo cáo. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố virus Zika là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh này, nhưng các nhà khoa học từ các nước khác nhau đang làm việc tích cực để sớm sáng chế thuốc phòng chống dịch bệnh do virus Zika.