Vấn đề là ở chỗ: ngay từ năm 2011, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận liên chính phủ về xây dựng một trung tâm như vậy. Như đã dự kiến, phía Nga sẽ cung cấp khoản vay nhà nước ưu đãi cho mục đích này.
Theo kế hoạch một số hợp phần của Trung tâm sẽ được đặt tại Hà Nội. Và hợp phần chính của dự án sẽ được bố trí xung quanh lò phản ứng nước áp lực nghiên cứu mới sẽ thay thế lò phản ứng cũ đã được Mỹ xây dựng tại Đà Lạt. Đại diện "Rosatom" tại Việt Nam, ông Andrey Stankevich cho biết:
"Lò phản ứng hạt nhân cũ ở Đà Lạt sắp hết khả năng hoạt động, nó đã được xây dựng vào năm 1965, và ngay cả sau khi được hiện đại hóa với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô nó có tuổi thọ trên 35 năm. Theo các chuyên gia lò phản ứng này có thể tiếp tục hoạt động trong vòng 5 —10 năm tới. Công suất của nó là 500 kW. Theo dự án, để thay thế lò phản ứng cũ sẽ xây dựng lò phản ứng với công suất 10 MW, có triển vọng tăng đến 15 MW. Rosatom đã tích lũy những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực xây dựng những cơ sở tương tự. Các công nghệ của Nga đã được sử dụng trong quá trình xây dựng hơn 120 lò phản ứng nghiên cứu ở nhiều nước".
Hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án Trung tâm đã được giới thiệu tại Hội thảo ở Hà Nội. Kết quả cuộc thảo luận cho thấy rằng, các chuyên gia hạt nhân của Việt Nam thấy rõ sự cần thiết phải thành lập Trung tâm. Họ đã dẫn ra lý luận khoa học và kỹ thuật chứng tỏ rằng, ở Việt Nam nên xây dựng một trung tâm như vậy. Đặc biệt là sau khi có quyết định dừng dự án năng lượng hạt nhân: trong điều kiện mới này Trung tâm sẽ giúp Việt Nam duy trì thẩm quyền của mình trong ngành công nghiệp hạt nhân. Các chuyên gia hạt nhân hiện có ở Việt Nam và những chuyên gia tương lai đang được đào tạo tại các trường đại học sẽ có khả năng vận dụng kiến thức của mình tại các phòng thí nghiệm củaTrung tâm.
Tuy nhiên, kết quả thảo luận tại hội thảo cho thấy rõ rằng, số phận của Trung tâm phụ thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước. Dự án xây dựng Trung tâm có giá trị khá cao, không ít hơn 400 triệu USD. Trong khi đó, dự án này dù có các hoạt động ứng dụng, nhưng sẽ không bù đắp số tiền đầu tư đã bỏ ra. Và các cơ quan kinh tế của Việt Nam đang phân tích, thẩm định dự án này có xu hướng xem xét nó dưới góc độ nhà đầu tư và góc độ của nhà tài trợ. Thời gian sẽ cho thấy liệu các nhà kinh tế và các nhà khoa học có thể đồng ý với nhau.