Đây chỉ là một số chủ đề liên quan đến Việt Nam trong các phương tiện truyền thông quốc tế trong tuần này. Sau đây là chuyên mục hàng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Việt Nam đang đứng ở vị thế dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở khu vực Đông Nam Á. Một trong số đó là phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những năm gần đây, đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở cả khu vực công và khu vực tư nhân của Việt Nam vào khoảng 5,7% GDP, mức cao nhất trong Đông Nam Á. Hãng thông tấn Bloomberg cho biết. Theo chính phủ, Việt Nam cần khoảng 480 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho cơ sở hạ tầng, trong đó có 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và khoảng 1.380 km đường cao tốc. Việt Nam đang đẩy nhanh kế hoạch thu hút thêm đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng, do ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu tài chính.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, Việt Nam vượt trước Philippines về mặt phát huy tiềm năng con người. Dù GDP bình quân đầu người của Philippines là cao hơn, Việt Nam đã thành công trong việc giảm chênh lệch thu nhập, trang thông tin ABS-CBN News cho biết. Trong năm 2014, tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ ở Philippines là 13,1%, trong khi ở Việt Nam chỉ số đó đã giảm xuống còn 3,1%.
Tờ báo có uy tín Financial Times có bài viết về Hoàng Sa và vai trò của quần đảo này trong lịch sử quan hệ Việt —Trung. Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo mà họ chiếm đóng các bến cảng, sân bay trực thăng và căn cứ không quân, đưa tới đó tên lửa đất đối không và đang chuẩn bị xây dựng những cơ sở khác, mở các tuyến tàu du lịch đến các đảo. Việt Nam phản đối mạnh mẽ tất cả những hành động này, đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh với Nhật Bản và Ấn Độ, những quốc gia cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc bành trướng trong khu vực. Bài báo trích dẫn câu nói của cựu Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ: "Dù điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta phải sử dụng tất cả các phương tiện để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa".
Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hai bên đã ký kết thỏa thuận về thành lập hai khu công nghiệp mới ở Việt Nam, và mở chi nhánh của Ngân Hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore. Ngày 1 tháng 4, công ty Dentsu của Nhật Bản khai thác các công nghệ kỹ thuật số sẽ đưa vào hoạt động một công ty mới ở Việt Nam — Dentsu Techno Camp. Mục tiêu của Dentsu Techno Camp là phát triển các nhân sự tài năng trong khu vực ở các chuyên môn như trải nghiệm người dùng, thiết kế và lập trình. Còn công ty Waldon (A Welsh automotive company) sẽ mở tại thành phố Hồ Chí Minh một công ty con, họ có kế hoạch dài hạn về sản xuất phụ tùng ô tô và bán cho các nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp trên toàn thế giới.
Việt Nam có một trong những hệ thống pháp luật khắc nghiệt nhất chống buôn lậu ma túy. ABC News viết về một bản án gần đây: 9 án tử hình, 9 án tù chung thân, 4 án tù giam từ 17 đến 20 năm. Trong 3 năm, nhóm tội phạm này đã vận chuyển từ Lào về Việt Nam để bán ở Trung Quốc tổng cộng trọng lượng 1.415 bánh heroin — khoảng 495kg. Tờ Times LIVE viết về sự hỗ trợ của các mạng xã hội trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trẻ em.
Cuối cùng xin nói vài lời về ảnh hưởng của nghệ thuật đến đời sống. Người Việt Nam hy vọng rằng, sự thành công của bộ phim «Kong: Skull Island » (Kong: Đảo Đầu Lâu) sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và ngành điện ảnh trong nước, tờ Nikkei Asian Review nhận xét. Các công ty du lịch đang bán tour du lịch đến các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, nơi đã quay bộ phim bom tấn Hollywood, còn các nhà làm phim địa phương muốn làm việc với các nhà điện ảnh Hollywood để có thêm nguồn thu nhập, cũng như để đào tạo nhân tài Việt Nam. Trước đây nhà điện ảnh nước ngoài đã có vấn đề khi nhận giấy phép quay phim ở Việt Nam, vì thế các bộ phim về đất nước này đã được quay ở Philippines, Thái Lan và Campuchia, tờ báo Nhật Bản cho biết.