Sau đó trong gần 50 năm đến khi bùng nổ Thế chiến I vào năm 1914, các tàu chiến của Đế chế Nga đã ghé thăm các cảng Sài Gòn và Hải Phòng chủ yếu để lấy thêm than đá và lương thực. Hai trường hợp ngoại lệ là: vào tháng Ba năm 1891 bên bến cảng Sài Gòn đã neo đậu cả một đoàn tàu từ Nga, trên tàu có người kế vị ngai vàng Nga với các sĩ quan tháp tùng, rồi vào tháng 4 năm 1905, đội tàu Thái Bình Dương của nước Nga đã cập cảng Cam Ranh và vịnh Vân Phong để lấy nước, thực phẩm và than đá. Sau khi bùng nổ Thế chiến I, các tàu Nga không ghé vào các cảng Việt Nam, ít nhất không có dữ liệu xác nhận điều đó.
Các tàu Nga, vào thời điểm đó là tàu của Liên Xô, lại xuất hiện gần bờ biển Việt Nam ngay sau khi ký kết Hiệp định Genève năm 1954 về chấm dứt chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chiếc tàu đầu tiên là tàu "Arkhangelsk" mà chính phủ Liên Xô đã gửi để giúp tập kết lực lượng vũ trang và đưa cư dân từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc. Tiếp sau đó tàu Liên Xô "Stavropol" cũng tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Vào cuối năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh tặng Huân chương Lao động cho các sĩ quan và thuỷ thủ các tàu Liên Xô.
Trong năm 1954, Matxcơva đã trao tặng Việt Nam DCCH hai chiếc tàu loại "sông-biển", đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Những ngày cuối năm, từ hải cảng vùng Biển Đen và Viễn Đông của Liên xô có những tàu hàng xô-viết đầu tiên đã cập bến miền Bắc Việt Nam, mang tới cho đất nước mọi thứ cần thiết nhất. Đây là cái mốc mở tuyến vận tải bằng đường biển giữa hai nước đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục nước cộng hòa sau cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó — cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở hai miền của một nước Việt Nam thống nhất.
Vào đầu năm 1955, những con tàu chuyên dụng của Liên Xô đã tới Việt Nam để nạo vét cửa biển khu vực cảng Hải Phòng. Các chuyên gia Liên Xô trên thiết bị của Liên Xô bắt tay thực hiện các công việc tại cảng Hải Phòng để cảng này có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn. Tàu cuốc Liên Xô "Chiến thắng của đất" được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhờ hoàn thành khối lượng công tác hữu ích khổng lồ tại khu vực cửa Nam Triệu và Cửa Cấm thuộc cảng Hải Phòng. Con tàu đã dọn sạch 5 triệu rưởi mét khối đất đá, nhờ đó hải cảng quan trọng của Việt Nam có thể tiếp nhận cả những tàu biển trọng tải trên 10 nghìn tấn.
Vào tháng 10 năm 1955, Hòn Gai đã đón tiếp chiếc tàu Liên Xô với lô đầu tiên các xe tải hạng nặng do Liên Xô chế tạo. Các xe tải ngay lập tức bắt đầu làm việc tại các mỏ than Quảng Ninh. Ở đây có thể nhắc nhở về việc, khi rời khỏi Việt Nam các chuyên gia Pháp đã dự đoán rằng chính quyền mới sẽ phải mất ít nhất 50 năm để khôi phục ngành công nghiệp than. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian khôi phục ngành than, nhanh gấp 10 lần so với dự đoán của Pháp.
Năm 1957, chiếc máy bay "IL-14", quà tặng của Chính phủ Liên Xô cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đã được vận chuyển đến Việt Nam bằng đường biển. Còn các ngư dân Việt Nam đã nhận món quà của Liên Xô là ba tàu đánh cá trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Từ năm 1954 đến năm 1964, hàng chục tàu Liên Xô xuất phát từ các cảng Biển Đen và vùng Viễn Đông đã thực hiện khoảng 500 chuyến đi biển tới Việt Nam, cung cấp các loại hàng hoá cần thiết cho sự phát triển kinh tế của đất nước này. Khi đó, khối lượng giao hàng từ Liên Xô đã tăng thêm 50-70% mỗi năm, và phần lớn lô hàng đã được vận chuyển bằng đường biển. Kể từ năm 1965, tuyến đường biển đã bảo đảm các đợt cung cấp kỹ thuật quân sự và vũ khí của Liên Xô để đẩy lùi sự xâm lược của Mỹ.
Trong phần tiếp theo của chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua", chúng tôi sẽ nói về chủ đề này.