"Đang gia tăng các hành vi quân sự hoá mạnh mẽ tại Biển Đông, — nhà khoa học chính trị Vladimir Kolotov, Trưởng khoa sử Viễn Đông, Đại học quốc gia St. Petersburg, Nga, cho biết. — Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, củng cố cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo và bố trí tại đó các hệ thống tên lửa. Việt Nam xây dựng các khu neo đậu và bố trí các hệ thống tên lửa SPYDER và EXTRA của Israel. Các nước Đông Nam Á khác cũng mua sắm các loại vũ khí hiện đại. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang.
Tình hình ngày càng trở nên phức tạp, chuyên gia Kolotov nói tiếp. Vâng, Trung Quốc đang tiến hành cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhưng, không ai có thể ép buộc Bắc Kinh phải thực hiện những cam kết không có lợi cho Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng vậy. Trên lời nói Washington rất quan tâm đến việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, vv. Nhưng, Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, văn kiện đã được phê chuẩn bởi gần 160 quốc gia và EU. Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự, xây dựng các hàng không mẫu hạm, cố gắng thay đổi tình hình và giải quyết cuộc xung đột Biển Đông theo hướng có lợi cho họ. Các nước nhỏ cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình, dư luận xã hội và tầng lớp thượng lưu sẽ không cho phép họ rút lui. Đây là nguồn gốc của mọi sự bất hòa trong tương lai. Các chính trị gia trong khu vực nên có thái độ trầm tĩnh sáng suốt để giải quyết vấn đề ngày hôm nay, không để lại nó cho các thế hệ mai sau.
Khu vực Đông Nam Á gây ấn tượng mạnh về tăng trưởng kinh tế, và kết quả này đã đạt được nhờ vào tình hình hòa bình trong mấy thập kỷ qua. Nếu không tìm được những giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nếu tiếp tục quân sự hóa khu vực, thì tình hình có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang và những thành công của mấy thập kỷ gần đây sẽ bị xóa nhòa. Còn các cường quốc ngoài khu vực sẽ cố gắng sử dụng cuộc xung đột nội bộ này để làm suy yếu đối thủ tiềm năng. Trong cuộc đối đầu này, các nước nhỏ sẽ chỉ là " bia đỡ đạn", nhà phân tích chính trị Vladimir Kolotov nhận xét.