Tham nhũng làm nợ công tăng cao
Theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), nợ công lẽ ra là nguồn lực tăng trưởng, phát triển bảo đảm quốc kế dân sinh, nhưng nợ công vừa qua trở thành một nguồn cho tham nhũng, lãng phí, để lại gánh nặng cho thế hệ sau.
"Nguyên nhân nợ công, báo cáo của Chính phủ xem nhẹ yếu tố tham nhũng và lãng phí. Đây là nguyên nhân rất lớn của việc nợ công tăng cao. Quốc hội vừa qua cũng nêu ra 12 dự án đã có mấy chục ngàn tỉ đồng thua lỗ, thất thoát. Nếu không nhìn nhận rõ ràng vấn đề này để đưa vào luật sẽ không khắc phục được sai phạm", ông Nghĩa nói.
Tương tự, ĐB này cho rằng cần quan tâm đến nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
"Nếu nói nhà nước không chịu trách nhiệm cũng không được vì nếu DNNN vay nợ phá sản thì nhà nước cũng không thể đứng ngoài, DN tư nhân nếu phá sản nhà nước cũng không thể không làm gì huống chi DNNN. Nói không có trách nhiệm cũng không được", ông Nghĩa bày tỏ.
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, thời gian qua nhiều gánh nặng dồn vào ngân sách khiến nợ công cao. Đơn cử là việc một số nợ của DNNN cũng dồn vào nợ Chính phủ, khi đáng ra DN phải tự vay tự trả, song thực tế Chính phủ phải vay về rồi cho DN vay lại như trường hợp của Vinashin hoặc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt vấn đề về tồn tại trong quản lý nợ công. Theo đó, có tới 3 cơ quan cùng quản lý.
"Một người đàm phán đi vay, một người cho vay và một người trả nợ. Không có quốc gia nào giống chúng ta", bà Ngân nói và lý giải ở các nước, Ngân hàng Nhà nước không phải là thành viên Chính phủ mà là ngân hàng T.Ư của các ngân hàng. Còn ở ta, do Ngân hàng Nhà nước được coi là cơ quan ngang Bộ, thành viên Chính phủ. "Vấn đề nói mãi không sửa được, nên cứ phải phân nhánh là một người đi vay, một người dùng, một người trả nợ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đường sắt lạc hậu do độc quyền
"Sau hơn 10 năm thực hiện luật Đường sắt 2005, chúng ta chẳng những không thấy được sự vươn lên của ngành đường sắt mà biểu hiện ngày càng tụt hậu với công nghệ, thiết bị cổ lỗ, chất lượng dịch vụ thấp, thị phần ngày càng giảm. Nguyên nhân là sự độc quyền kéo dài của DNNN", ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận xét khi tham gia thảo luận về dự thảo luật Đường sắt sửa đổi hôm qua.
Giải trình với ĐB, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thừa nhận đường sắt VN từ chỗ "hiện đại hiếm có nhưng cứ kém dần đi và cho đến nay thì thực sự rất lạc hậu". Tuy vậy, theo người đứng đầu ngành giao thông, một trong những nguyên do chính là đầu tư cho ngành đường sắt rất hạn chế, cụ thể là giai đoạn 2011 — 2015 chỉ khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư trong ngành giao thông, thua xa con số gần 89% cho đường bộ.
Nguồn: Thanh Niên