Sự quyết liệt, tàn bạo, cũng như cả sự lớn mạnh của các tổ chức tương tự đã cho thấy, khủng bố là nguy cơ thực sự ở nhiều nước Đông Nam Á.
Philippines đã bị những kẻ khủng bố "xâm lược"
3/4 thành phố Marawi gồm 200.000 dân ở hòn đảo phía nam Mindanao từng bị nhóm cực đoan hồi giáo Maute và nhóm khủng bố Abu Sayyaf khống chế. Nhóm Maute cho thấy chúng là một băng nhóm chiến đấu hiệu quả và có khả năng chống trả được sức tấn công của quân chính phủ.
Nhà chức trách cho biết các tay súng đã sát hại ít nhất 19 dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, có 17 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. 61 tay súng bị tiêu diệt.
Chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng nhóm Maute tiến hành cuộc tấn công tại Marawi ngay trước thềm tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo để thu hút sự chú ý của IS, với mong muốn được công nhận là một chi nhánh của IS tại Đông Nam Á.
Các nguồn tin tình báo cho biết, nhóm Abu Sayyaf được cho là có liên quan đến IS muốn kết hợp với nhóm Maute trong nỗ lực nhằm chiếm đóng Philippines. Thủ lĩnh của liên minh hai nhóm khủng bố trên là Isnilon Hapilon, vốn là một kẻ trung thành với IS hay còn gọi là Daesh. Tên này đã được các chiến binh khủng bố nước ngoài tin tưởng ở vị trí thủ lĩnh dẫn dắt cuộc tấn công vào Philippines.
Tờ Express đưa tin, năm 2005, Bộ Tài chính Mỹ đã tịch thu tài sản của Hapilon vì các hoạt động tình nghi có liên quan đến khủng bố của hắn và vì sự liên quan của hắn đến Al-Qaeda với tên trùm Osama bin Laden.
"Trước kia, chúng chỉ là một nhóm khủng bố địa phương", người đứng đầu cơ quan tư pháp khu vực, ông Jose Calida — một quan chức tình báo Philippines cho các phóng viên biết.
Tình hình đã phát triển đến đỉnh điểm khi lực lượng chiến binh khủng bố "muốn biến Mindanao trở thành một phần của cái gọi là nhà nước Hồi giáo", ông Calida cho biết thêm, ám chỉ đến mục đích của IS là thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông. Vị quan chức Philippines cũng bày tỏ quan ngại về việc tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang lan rộng trong thanh niên Hồi giáo của nước này.
Thấy rõ dã tâm của các nhóm khủng bố, Manila quyết tâm tiêu diệt lực lượng khủng bố này. Quân đội Philippines đã sử dụng vũ khí hạng nặng, bao gồm máy bay, pháo binh, xe bọc thép và cả tên lửa đạn đạo được phóng từ trực thăng để nhắm vào các mục tiêu của phiến quân Maute ở thành phố Marawi, trong nỗ lực giải phóng thành phố khỏi sự chiếm đóng của các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Phát ngôn viên quân đội Philippines ngày 29-5 cho biết thành phố Marawi (thuộc đảo Mindanao) sẽ được giải phóng sau vài ngày nữa. Reuters ngày 29-5 dẫn lời Chuẩn tướng Restituto Padilla, Người phát ngôn của các Lực lượng vũ trang Philippines cho biết, sau 6 ngày chiến đấu, hiện chỉ còn có một khu vực nhỏ của Marawi nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Maute.
"Các chỉ huy quân đội của Philippines đảm bảo rằng Maute sắp bị đánh bật khỏi Marawi. Giờ đây chúng tôi đã có thể kiểm soát những người ra vào thành phố, những người đang di chuyển trong thành phố. Và chúng tôi đang cố gắng cô lập các phần tử khủng bố vẫn cố thủ tại Marawi", người phát ngôn Padilla tuyên bố.
Maute — Nhóm khủng bố nguy hiểm
Phiến quân Hồi giáo Maute đang chiếm đóng thành phố Marawi vốn được thành lập và tài trợ bởi hai anh em cựu sĩ quan cảnh sát chống buôn ma túy.
Theo Inquirer, phát biểu trước các binh sĩ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, hai cựu sĩ quan Abdullah Maute và Omar Maute "vốn là cảnh sát ở Manila, nhưng do hám tiền từ ma túy nên chúng đã trở lại đây (Marawi) và lập ra một trong những cơ sở sản xuất ma túy lớn nhất Lanao del Sur".
Người đứng đầu chính phủ Philippines cho biết thêm, số tiền mà anh em nhà Maute thu được từ việc buôn bán ma túy đã dùng để tài trợ cho hoạt động của nhóm phiến quân Maute. Với số tiền lớn thu được từ buôn ma túy, hai anh em nhà Maute đã tuyển mộ quân, mua sắm vũ khí, biến cựu băng đảng ma túy trở thành kẻ thù đáng gờm của chính phủ Philippines.
Hai năm trước, những phần tử đầu tiên của Maute bắt đầu xuất hiện ở thị trấn Butig, Lanao del Sur, Philippines và đến nay, chúng đã được cả thế giới nhắc đến với sự hung bạo, nguy hiểm không khác gì IS ở Trung Đông.
Nhóm khủng bố này ban đầu chọn tên là Dawlah Islamiya nhưng sau đó đổi tên thành Maute, có quan hệ thân thiết với IS và đang hoành hành ở miền Nam Philippines.
Omar và Abdulla Maute được cho là căm ghét những người không theo đạo Hồi và thích áp đặt hệ thống công lý theo kiểu Taliban, từng được Maranaw áp dụng với đầy đủ sự tàn nhẫn và nguyên thủy. Các quan chức địa phương và đại diện tôn giáo đều phản đối hình thức Hồi giáo "méo mó" do Maute thuyết giảng. Chúng tạo nên một cộng đồng Hồi giáo "tinh khiết", được quản lý bởi luật Sharia là tách hoàn toàn khỏi những người không theo đạo Hồi.
Theo báo cáo tình báo vào tháng 11-2016 sau khi theo dấu vết các liên kết trực tiếp giữa 4 nhóm khủng bố tại Philippines, trong đó có nhóm Maute và các chiến binh ủng hộ IS ở Indonesia và Malaysia, "gia đình Omar Mauter có mối quan hệ với Bekasi, thông thạo tiếng Indonesia và những kiến thức truyền thông xã hội, có quan hệ rộng rãi với nhiều mạng lưới khủng bố quốc tế.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã xác nhận mối quan hệ của nhóm phiến quân Maute với IS. Từ tháng 2 đến tháng 3/2016, chúng thành lập 3 thành trì tại tỉnh Lanao del Sur, khiến gần 30.000 người mất nhà cửa. Trong thời gian này, nhóm này đã tấn công một doanh trại quân đội và chặt đầu một binh sĩ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày, quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát.
Cũng là vấn đề của Đông Nam Á
Sau khi xung đột giữa quân đội Philippines và nhóm phiến quân nổ ra tại thành phố Marawi, có thể thấy rõ, tình hình khủng bố tại Philippines đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa tới an ninh toàn bộ khu vực.
Ông Duterte từng 22 năm làm thị trưởng và tốn không ít công sức để dẹp bỏ tệ nạn ma túy, lập lại trật tự tại thành phố Marawi. Năm 2015, Marawi vinh dự được nhận danh hiệu thành phố an toàn đứng hàng thứ 9 trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, những cuộc chiến của ông Duterte với tệ nạn ma túy cũng như lực lượng phiến quân tại miền Nam Philippines không vì thế mà dừng lại.
Một số phần tử sau khi được huấn luyện hoặc từng có kinh nghiệm khủng bố ở nước ngoài đã trở về hoạt động tại khu vực này. Do vậy, Tổng thống Duterte trên thực tế đang phải đối mặt với một tổ chức khủng bố xuyên quốc gia.
Ông Gunaratna nhấn mạnh vấn đề của Philippines cũng là vấn đề của Đông Nam Á. Miền Nam Philippines đang trở thành một chiến trường khác của các phần tử khủng bố từng được huấn luyện và có kinh nghiệm chế tạo bom cũng như thực chiến.
Thêm vào đó, IS hiện đã công khai mục tiêu thiết lập chi nhánh của chúng tại khu vực Đông Nam Á. Theo ông Gunaratna, một trong những thách thức nguy hiểm nhất mà thế giới đang phải đối mặt trong năm 2017 là IS sẽ mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động của chúng ra phạm vi toàn cầu, trở thành lực lượng khủng bố quốc tế.
Điều này cũng giống như tình trạng của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002, từ các căn cứ địa thiết lập tại Afghanistan và Pakistan đã nhanh chóng phát triển ra tất cả các khu vực trên toàn thế giới.
Hiện nay, một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã chọn miền Nam Philippines làm địa bàn hoạt động của mình. Ngoài ra, Indonesia và Malaysia cũng có khả năng sẽ trở thành các trung tâm ở nước ngoài của IS. Về tổng thể, lực lượng khủng bố tại Philippines, Indonesia và Malaysia… có thể sẽ phát triển và hình thành thế "chân vạc" tại khu vực Đông Nam Á.
Thủ đoạn nguy hiểm
Nhật báo Myanmar Times vừa đăng bài viết của nhà báo kỳ cựu Roger Mitton cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn và đẫm máu tương tự tại khu vực Đông Nam Á do IS thực hiện hoặc chỉ đạo các nhóm cực đoan thực hiện.
Theo các chuyên gia phân tích an ninh, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ sớm chứng kiến các cuộc tấn công tàn sát như kiểu vụ tấn công khủng bố gần đây tại Istanbul và Paris, và thậm chí một thảm kịch kiểu như vụ 11/9/2001 tại New York là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù điều này thật kinh khủng, song các chuyên gia ngày càng tin chắc rằng việc các cuộc tấn công như vậy xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian và địa điểm.
IS chuyển tập trung sang Đông Nam Á chính là việc hình thành các chi nhánh có khả năng tổ chức tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở khu vực này trong thời gian tới, hướng đến việc thành lập "Vương quốc Hồi giáo" (Caliphate) trong khu vực.
Tháng 4-2016, IS đã liệt kê những nước cần phải tấn công, trong đó có ba quốc gia ở Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia và Philippines.
Thời gian qua, các chuyên gia chống khủng bố cũng đã cảnh báo IS có khả năng thực hiện các vụ tấn công theo kiểu vụ Paris (các tay súng đồng thời tấn công một địa điểm rồi nhanh chóng di chuyển tới địa điểm tiếp theo để tối đa hóa thiệt hại và thương vong) nhằm vào khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới, trong đó các điểm tham quan đông người hoặc những cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, nhà ga bị xem là mục tiêu tiềm năng.
Theo ông Alex Bomberg, Trưởng nhóm An ninh và Tình báo Quốc tế có trụ sở ở London (Anh), những diễn biến liên quan đến IS trên khắp châu Á gần đây cho thấy tổ chức này đã sẵn sàng tấn công Đông Nam Á. Hiện IS đang đẩy mạnh việc tuyển dụng người dân bản địa để sử dụng những người này thực hiện tấn công khủng bố tại đất nước của mình.
Môi trường xã hội ở Đông Nam Á có những yếu tố khiến cho ý tưởng của IS được tiếp nhận với khoảng 300 triệu người dân ở đây là tín đồ đạo Hồi. Hơn nữa, ở các nước này từng có các tổ chức khủng bố thánh chiến, cùng với hàng nghìn người thuộc các nước Đông Nam Á đang tham chiến trong hàng ngũ IS ở Trung Đông.
Tờ The Australian mới đây cũng cho biết, trong bối cảnh IS ngày càng suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới để đứng chân, với những điều kiện địa lý, yếu tố xã hội, con người… khả năng IS hướng tới thành lập một Caliphate ở Đông Nam Á là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc hình thành chi nhánh IS đầu tiên ở Đông Nam Á chính là sự khởi đầu cho ý tưởng này.
Nguồn: Dân Trí, An ninh thế giới