Ngày 2/6, tại thành phố Cam Ranh — tỉnh Khánh Hòa, Đại tướng Ngô Xuân Lịch — Ủy viên Bộ Chính trị — Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì kiểm tra toàn diện công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân.
Đặc biệt, trong phóng sự phát trên kênh VTV1 lúc 19h, sau cảnh dàn đội hình chiến đấu của hạm đội tàu chiến và tàu ngầm có xuất hiện hình ảnh đặc biệt, đó là hệ thống 4K44B Redut-M phóng 1 tên lửa P-35B diệt mục tiêu, đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai hình ảnh tên lửa này khai hỏa.
Theo những thông tin được công khai, Redut-M hiện là 1 trong bộ 3 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ cực mạnh của Hải quân Việt Nam gồm Redut-M, 4K51 Rubezh và tổ hợp K-300P Bastion-P.
Một số chuyên gia cho rằng, thế trận tác chiến chống xâm nhập bằng đường biển thường có 3 tuyến. Tuyến 1 là lực lượng ngăn chặn từ xa do các tàu tác chiến viễn dương và tàu ngầm, kết hợp với không quân đảm nhiệm; tuyến 2 là các tàu tuần tiễu, tàu tên lửa cỡ nhỏ và tuyến 3 là lực lượng phòng thủ bờ đối hải.
Nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng đủ điều kiện xây dựng đủ 3 tuyến phòng thủ từ xa đến gần. Xây dựng tuyến 1 với các tàu mặt nước hạng nặng như: Tàu hộ vệ, tàu khu trục, tàu chi viện tổng hợp, tàu trinh sát điện tử…, chỉ phủ hợp với các nước có chiến lược quân sự vươn ra biển xa, hơn nữa các loại tàu này quá đắt.
Các nước có lực lượng hải quân mặt nước không lớn, ngân sách quốc phòng không cao thường ưu tiên phát triển kết hợp tuyến thứ 2 và thứ 3. Việt Nam là nước đi theo mô hình phòng thủ bờ biển kiểu phát triển mạnh tuyến 2 và 3.
Tất cả các hệ thống tên lửa đối hạm thuộc "Bộ 3 lá chắn biển" đều có định hướng thống nhất là: không nhiều nhưng đồng bộ, thiên về chức năng phòng thủ với khả năng đánh chặn từ xa đến gần và có khả năng cơ động rất cao khi được đặt trên các khung gầm xe vận tải dã chiến.
Ngay sau khi phóng tên lửa, các tổ hợp lại tiếp tục cơ động đến vị trí tác chiến mới làm tên lửa hành trình của đối phương không thể xác định được mục tiêu. Trang bị phương tiện phóng cơ động cũng tạo điều kiện để xây dựng các mô hình giả nhằm đánh lừa đối phương.
Điểm ưu việt nhất là các xe chỉ huy-điều khiển, xe radar, xe phóng tên lửa có thể hoạt động cách xa nhau, rất thuận lợi để thực hiện phương châm "trang bị phân tán, hỏa lực tập trung", nếu có bị đánh trúng cũng chỉ thiệt hại 1 phần, không phải là toàn hệ thống nên rất dễ bổ sung, nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu.
Một ưu thế nữa là tất cả các hệ thống này cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật nên có thể sử dụng chung số liệu quan sát của radar bờ đối hải và hệ thống chỉ thị mục tiêu của máy bay trinh sát, và tàu chiến nên luôn đảm bảo được khả năng khống chế vùng biển ngay cả khi radar của một vài hệ thống bị tê liệt.
Khi chiến hạm đối phương tiếp cận bờ biển Việt Nam khoảng vài trăm km, 3 loại tên lửa nêu trên có tầm bắn khác nhau, hợp thành 3 lớp phòng thủ từ xa đến gần. Trong đó, tên lửa P-35B thuộc tổ hợp 4K44B Redut-M có tầm bắn 450 km lập thành tuyến phòng thủ từ xa.
Còn tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Yakhont của hệ thống K-300P Bastion-P có tầm bắn 300km và tốc độ cực nhanh sẽ bắn hạ các chiến hạm có thể vượt qua tuyến 1, lập thành tuyến phòng thủ thứ 2; Tên lửa P-15 Temit của tổ hợp 4K51 Rubezh với tầm bắn 80km sẽ tiêu diệt những kẻ còn sống sót qua 2 đòn trời giáng trên mon men vào gần bờ.
Theo những thông tin được công khai, ngoài bộ 3 lá chắn bờ bằng tên lửa có nguồn gốc từ Nga, đạn pháo phản lực ACCULAR cũng như EXTRA do Israel sản xuất với kích thước gọn nhẹ, tính cơ động cao, uy lực mạnh, bảo quản dễ dàng thực sự là vũ khí chống đổ bộ hữu hiệu của Hải quân Việt Nam.
Nguồn: Báo Đất Việt