Từ vụ án này, Cục CSĐT và các cơ quan chức năng đã kiên cường, mưu trí, dũng cảm điều tra triệt phá tổ chức tội phạm đặc biệt nguy hiểm và trắng trợn, hoạt động ngang nhiên giữa trung tâm Hà Nội với hàng loạt tội danh: giết người, cướp của, hiếp dâm, cố ý gây thương tích và trốn thuế.
Từ lâu đã nằm trong "tầm ngắm"
Thực ra băng nhóm của Khánh "trắng" đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an ngay từ năm 1992. Nghĩa là ngay từ lúc Khánh mới "manh nha" thiết lập băng nhóm.
Sang năm 1993, trước những vụ việc do các băng nhóm tranh giành địa bàn làm ăn gây ra tại khu vực chợ Long Biên, Phòng Cảnh sát Hình Công an TP Hà Nội đã đề nghị UBND quận Ba Đình cần phải có kế hoạch, biện pháp giải quyết những mâu thuẫn, tránh để hậu quả về sau.
Một tổ công tác bí mật gồm 4 người đã "nằm" gần 6 tháng trời tại khu vực hoạt động của băng nhóm Khánh "trắng". Anh em đã ghi được nhiều thước phim, hình ảnh về hoạt động của một số tay chân đàn em của Khánh.
Hầu hết những đệ tử thân tín của Khánh đều được trinh sát chỉ mặt đặt tên, được lập hồ sơ chi tiết. Tài liệu nghiệp vụ về Khánh "trắng" và đồng bọn mỗi ngày một dày thêm, nhưng chứng cứ để bắt bọn chúng lại không phải vấn đề đơn giản.
Đầu năm 1996, Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát nhận được thêm nhiều đơn thư tố cáo những hành vi tội ác của Khánh trắng. Duy có điều khó là nhiều người bị trả thù nên đã giấu tên làm phức tạp cho cuộc điều tra, khó khăn cho việc đưa những hành vi tội ác ra trước ánh sáng.
Nhưng nếu xét cho cùng, họ hãi Khánh và đồng bọn cũng có lý do. Vì đa số người dân ở Ba Đình, Hoàn Kiếm đều thấy băng nhóm của Khánh quá mạnh.
Khánh đã "chạy án" trót lọt trong vụ giết anh Đạt phố Hàng Chiếu (xảy ra từ đầu năm 1991), tiếp đó lại "tổng đạo diễn" ngoạn mục phi vụ "hiếp dâm trẻ em" của bọn đàn em Đào Công Huy.
Mặc dù vậy, với quyết tâm phá bằng được nhóm tội phạm Khánh "trắng", Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã yêu cầu Phòng 3 tìm mọi biện pháp đẩy nhanh tốc độ điều tra phá án.
Thời cơ đã đến
Anh Mạnh kinh doanh vũ trường và karaoke. Năm 1994, anh Mạnh vay của Dương Văn Đích 400 triệu đồng, giữa năm 1995 vay của Khánh "trắng" 105 triệu đồng, đầu năm 1996 vay của Trần Văn Minh (em ruột cùng mẹ khác cha với Khánh) 10 triệu đồng và một số người khác nữa.
Hàng tháng, anh Mạnh vẫn trả một phần tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ nên ngày 4/5/1996, anh Mạnh đã mời các chủ nợ đến bàn cách trả nợ và xin khất nợ, cuộc họp này có cả Khánh "trắng".
Chính Khánh là người đứng ra yêu cầu các chủ nợ cho anh Mạnh thời hạn đến ngày 30/8/1996 mới phải trả một số tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tối 21/5/1996, Khánh lấy lý do anh Mạnh không chịu trả nợ, lại đem tài sản đi tẩu tán nên đã cử hai tên đàn em thân tín nhất là Nguyễn Quang Vinh và Tạ Văn Ninh lên 71D-E Kim Mã để thị sát trước.
Sau khi "thám thính", rạng ngày 22/5/1996, Khánh ra chợ Long Biên điều động hơn chục tên đàn em trong tổ kiểm tra trật tự, sử dụng ba xe ôtô vận tải và xe máy lên Kim Mã để siết nợ nhà anh Mạnh. Bọn đàn em của Khánh đến nhà anh Mạnh nhưng anh này không có nhà, chúng tự động vào quầy bar của quán karaoke lấy bia ra uống.
Khi anh Mạnh đi ăn sáng về, chúng điện báo cho Khánh "trắng" đang chờ ở nhà để Khánh xuống ngay Kim Mã trực tiếp chỉ huy cướp phá.
Không liên quan cũng cưỡng đoạt tài sản
Sau khi tháo dỡ đồ đạc ở 71D Kim Mã, Khánh cho quân tiếp tục cướp phá tài sản ở khách sạn Hướng Dương 71E Kim Mã, chủ sở hữu là anh Vũ Hoàng Hiệp và anh Phạm Hải Long. Mặc dù cả ba anh Mạnh, Hiệp, Long đều trình bày, tài sản của khách sạn Hướng Dương không có liên quan gì đến anh Mạnh, nhưng Khánh và đồng bọn không nghe.
Chúng ép nhân viên và các anh Hiệp, Long phải ngồi yên một chỗ, không được ra ngoài. Toàn bộ tài sản, đồ đạc, phương tiện trong hai căn nhà 71D và 71E Kim Mã bị chúng đục phá thu dọn hết.
Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 13 giờ 30, Khánh đã huy động gần 40 tên đàn em, bốn xe ôtô tải để cướp phá tài sản của những người nói trên. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi băng nhóm Khánh "trắng" đã lấy xong toàn bộ tài sản, Công an phường Kim Mã mới cử cán bộ xuống mời anh Mạnh cùng Khánh và các chủ nợ khác lên làm việc.
Tại trụ sở công an, Khánh đã ép anh Mạnh phải ký biên bản thỏa thuận tự nguyện để Khánh và đồng bọn lấy đồ trừ nợ. Vụ việc này, Công an phường Kim Mã đã lập biên bản để các bên… tự giải quyết sau khi việc đã xảy ra.
Sáng 24/5/1996, Dương Văn Khánh, Đoàn Ngọc Anh, Trần Văn Minh biết cơ quan công an (Đội CSHS đặc nhiệm Công an Hà Nội) xác minh sự việc nên đã hẹn anh Mạnh đến xưởng sửa chữa ôtô Dân Chủ của Dương Văn Đích, bắt viết giấy biên nhận nợ Trần Văn Minh 250 triệu, không còn nợ Khánh, Ngọc Anh, Dũng, Đích nữa và trả lại toàn bộ tài sản cho các anh Hiệp, Mạnh, Long.
Kéo lưới
Sáng ngày 24/5 toàn bộ hồ sơ về vụ Khánh trắng cướp phá nhà hàng, khách sạn cùng với các tài liệu trinh sát khác mà anh em thu thập được trong những năm qua được các trinh sát báo cáo với Lãnh đạo Tổng cục CSND.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Ban chuyên án đã ra lệnh cho các trinh sát phải giám sát từng bước đi của Khánh và bọn đàn em. Mục tiêu đặt ta là làm thế nào quét một mẻ lưới mà tóm gọn cả bọn, không được để tên nào chạy thoát.
15h cùng ngày, Viện kiểm sát Tối cao phê chuẩn lệnh bắt Khánh "trắng" và đồng bọn. Và ngay sau đó các lực lượng chiến đấu như Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Đặc nhiệm được lệnh tập trung quân. Nhưng không ai biết là làm nhiệm vụ gì.
Ngay cả trưởng phòng CSHS của Công an Hà Nội, Đội trưởng Đội CS đặc nhiệm cũng chỉ biết được nhiệm vụ cụ thể trước lúc xuất kích. Sự bất ngờ này là cần thiết vì lực lượng công an đã có một bài học kinh nghiệm là, sở dĩ những băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trong thời gian dài là vì chúng đã mua chuộc được một số người của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời vô hiệu hoá được chính quyền nơi chúng hoạt động.
Chính vì vậy, nếu cứ giữ cách chiến đấu với bọn tội phạm nguy hiểm theo cách bẩm báo qua từng cấp thì hỏng hết việc. Nếu làm như vậy chắc chắn khó mà phá nổi những vụ án như Vũ Xuân Trường, Phạm Đình Nên… Tuy nhiên còn có một yếu tố ngẫu nhiên khác đã giúp cơ quan công an tóm gọn cả băng Khánh "trắng"…
Nguồn: Phapluatplus