Thực hiện bởi tác giả Kate Hodal, bài báo đề cập tới hiện trạng giao thông của Thủ đô, một số giải pháp hiện hành và tác dụng của nó.
"Thật dễ dàng để nhìn thấy một người nước ngoài ở Hà Nội. Hoang mang ở các giao lộ, kinh ngạc với giao thông trước mắt, khách du lịch nước ngoài chờ đợi xe máy, xe đạp, ô tô và xe buýt dừng lại để được qua đường.
Giao thông hỗn loạn của thủ đô Việt Nam là hiện tượng mà nhân viên khách sạn thường nhắc nhở những người lần đầu đến đây. Với 5 triệu xe máy trên đường phố, Hà Nội từ lâu đã là trải nghiệm kinh ngạc hoặc thậm chí đáng sợ đối với những người mới đến.
Nhưng tất cả mọi chuyện sắp thay đổi. Bộ Giao thông Bận tải và Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đồng ý cấm xe máy vào năm 2030 để giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí.
Trước sự gia tăng xe hai bánh một cách đáng ngại, chính phủ đã quyết định đầu tư lớn vào giao thông công cộng, bao gồm xe buýt nhanh BRT và tàu điện trên cao, dự kiến hoạt động vào năm tới.
"Nếu tỷ lệ như trước đây tiếp tục thì đến năm 2030, chúng ta sẽ có 1,9 triệu xe ô tô và 7,5 triệu xe máy trên đường — nhưng có mâu thuẫn giữa sự phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu vận chuyển của người dân", báo Guardian trích lời ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội.
"Nếu không hành động lúc này, chúng tôi sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng: quá tải cơ sở hạ tầng và mức ô nhiễm tăng cao, ảnh hưởng đến bầu không khí thành phố. Chúng tôi phải đảm bảo cả sự di chuyển và và chất lượng sống của người dân Hà Nội".
Mặc dù người dân đồng ý rằng ô nhiễm là vấn đề lớn, một số người không tin lệnh cấm xe máy sẽ cải thiện tắc nghẽn hoặc ô nhiễm.
"Đó là một vấn đề lớn", báo Anh trích lời bà Lê Thị Hương, 45 tuổi, người bán cà phê tại phố Xã Đàn.
"Đúng là có quá nhiều xe máy trên đường và ô nhiễm quá nặng, nhưng xe máy là phương tiện vận chuyển duy nhất của tôi. Giao thông có thể là cơn ác mộng — đôi khi tôi bị bị tắc đường suốt một giờ mặc dù chỉ đi qua vài khu nhà.
"Tôi dùng xe máy để đưa con đến trường, đi làm, và gặp bạn bè. Tôi từng đi xe buýt nhưng phải bắt xe ôm đến bến xe buýt, và phải đổi xe buýt vài lần", bà Hương nói. "Cuộc hành trình đi xe buýt kéo dài một tiếng rưỡi, trong khi với xe máy, tôi chỉ mất 20 phút."
Theo ông Viện, Hà Nội đã áp đặt lệnh cấm xe tải vào ban ngày để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn. Và lệnh cấm xe máy có thể sẽ không áp dụng trên toàn thành phố mà chỉ trong những khu vực tắc nhất.
Hà Nội cũng có thể sẽ áp phí tắc nghẽn giao thông cho tất cả các phương tiện, giống như London, để giảm bớt lưu lượng giao thông trong tương lai.
Nhưng đối với thành phố đang phải vật lộn với giao thông đông đúc, thật kỳ lạ khi nghĩ rằng taxi và ô tô nên được sử dụng để thay thế xe hai bánh. Quy hoạch tổng thể của Hà Nội cho thấy giao thông công cộng chỉ đáp ứng 55% nhu cầu của thành phố vào năm 2030.
Khi mức lương hàng năm tăng lên, nhiều người Việt Nam giờ bỏ xe máy để mua ô tô. Điều này có nghĩa là tắc đường có thể không suy giảm vào năm 2030, thậm chí tồi tệ hơn.
Mặc dù kế hoạch sử dụng phương tiện công cộng của chính phủ có thể có ích, vẫn chưa có kế hoạch thu mua xe máy của người dân. Và nhiều người dân, bao gồm cả giám đốc sở GTVT được Guardian phỏng vấn, có tới 4 xe máy trong gia đình. Các trạm BRT sáng bóng và mới mẻ, hiện đều vắng vẻ. Và làn đường dành riêng cho BRT vẫn chứa đầy xe máy.
Có thể trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch giảm tắc nghẽn của Hà Nội là hành vi của người tham gia giao thông: đường xá tốt, quy định tốt, nhưng "lái xe chưa có ý thức tốt", theo ông Viện.
"Họ không tuân theo các quy tắc", ông nói với Guardian. Đó là lý do tại sao luật duy nhất hiện giờ là mạnh ai nấy đi, ông Viện nói".
Nguồn: Guardian, Dân Việt