Đã có cả phán định về những hành động cụ thể của Bắc Kinh. Toà thừa nhận "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh vạch lên bản đồ kỳ vọng chủ quyền ở Biển Đông là "không có cơ sở pháp lý." Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa cũng được đánh giá là bất hợp pháp. Kết luận thứ ba của Tòa trọng tài Hague là các mỏm đá và rạn san hô của quần đảo Trường Sa không thể coi là đảo, căn cứ vào dữ liệu địa chất và khoa học tự nhiên. Do đấy, không quốc gia nào có thể quây vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm xung quanh Trường Sa.
Như chúng ta đã biết, Bắc Kinh ngay lập tức từ chối công nhận quyết định của trọng tài Hague. Không chỉ không công nhận trên lời nói, hôm nay Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trên các đảo tranh chấp.
Từ khi ông R.Duterte lên làm Tổng thống vào tháng Sáu năm ngoái, Philippines tỏ ra khiêm tốn hơn khi đề cập đến chiến thắng tại tòa. Manila hầu như không còn nhớ đến và trước hết là do tân tổng thống đã quyết định thay đổi các ưu tiên chính sách đối ngoại, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, lấy sự viện trợ của Trung Quốc làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế ở Philippines.
Phải chăng như vậy có nghĩa cộng đồng quốc tế nên quên phán quyết của tòa án Hague ngày 12 tháng 7 năm 2016?
Theo quan điểm của tôi, câu trả lời phải là không. Các thẩm phán và chuyên gia ở The Hague đã cung cấp giải thích về loạt vấn đề quan trọng, dựa trên các công cụ luật pháp quốc tế được công nhận, chẳng hạn như các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (tài liệu đã được phê chuẩn bởi Trung Quốc và Philippines, Nga, Việt Nam và nhiều nước khác — tổng cộng khoảng 160 nước). Những lời giải thích này áp dụng đối với tất cả các biển và đại dương.
Đặc biệt, cần nhắc lại rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển chứa đựng nội dung từ chối "các quyền lịch sử" sở hữu biển. Tức là việc tham khảo các bằng chứng tài liệu từ quá khứ không có ý nghĩa. Sẽ không ai tiếp nhận chúng như một xác nhận quyền sở hữu của một quốc gia nào đó với khu vực nhất định. Công ước của Liên Hợp Quốc cũng không cho phép biến các rạn san hô thành đảo bằng cách bồi đắp và đổ bê tông. Những hoạt động "sáng tạo" như vậy thậm chí gây hại cho môi trường. Ví dụ, nếu người Philippines hành động như vậy thì họ phải chịu sự chỉ trích gay gắt của dư luận.
Kết luận quan trọng nhất rút ra từ các quyết định của trọng tài Hague: cách tốt nhất để thoát khỏi tình hình xung đột ở Biển Đông là đàm phán và hợp tác giữa các bên tranh chấp.