Tờ báo Trung Quốc cho rằng đây là một thứ vũ khí rất đáng chú ý, bởi tính đến thời điểm hiện tại, ngay cả các đơn vị lính dù của Quân đội Trung Quốc vẫn chưa được trang bị vũ khí này.
Tờ Sina bình luận thêm, những khẩu pháo tự hành ASU-85 này do Liên Xô viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam sau khi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra.
Tại lần đối đầu vào năm 1984 trên các đỉnh cao hướng Hà Giang, ASU-85 đã gây thiệt hại nặng nề cho phía đối địch, trong đó có cả lực lượng tăng — thiết giáp lẫn bộ binh.
Pháo tự hành ASU-85 sử dụng khung gầm xe tăng lội nước PT-76 nhưng đã tháo bỏ tháp pháo, khẩu pháo chính D-70 cỡ 85 mm được gắn trực tiếp vào thân, khiến cho kích thước lẫn trọng lượng tiết giảm đáng kể.
Ngoài ra, xe còn được trang bị thêm súng máy đồng trục SGMT hoặc PKT 7,62 mm với cơ số đạn 2.000 viên. Kính ngắm TShK-2-79 điều khiển cùng lúc cả pháo chính lẫn súng máy đồng trục.
Với đạn nổ mạnh chống tăng 3BK-7, ASU-85 dễ dàng tiêu diệt các loại xe tăng, thiết giáp nhẹ với sức xuyên 192 mm thép đồng nhất ở góc chạm 60 độ từ cự ly xấp xỉ 1.000 m.
Khi tác xạ trong điều kiện đêm tối, ánh sáng yếu, kíp pháo thủ được hỗ trợ thông qua kính nhìn đêm TPN1-79-11 kết hợp cùng thiết bị trinh sát hồng ngoại L-2. Xe được lắp đặt hệ thống liên lạc vô tuyến R-113 và hệ thống liên lạc nội bộ kíp xe R-120.
Tiếp đó, trong khuôn khổ Triển lãm DSA 2016 diễn ra tại Malaysia, các quan chức của công ty Minotor-Service, Belarus cho biết, phía Việt Nam đã bày tỏ "sự quan tâm mạnh mẽ" tới gói nâng cấp dành cho pháo tự hành ASU-85, đó là thay thế động cơ diesel mạnh mẽ hơn nhằm tăng sức cơ động cũng như tầm hoạt động.
Nguồn: Sina, Báo Đất Việt