Đó là lý do làm Kiev tự tin vào thành công và đã vội lên kế hoạch đầu tư số tiền chưa thu được vào ngành công nghiệp quốc phòng, — nhà báo Alexander Khrolenko của Sputnik viết.
Ngoài luồng xuất khẩu, Ukroboronprom hứa sẽ tăng số lượng sản xuất các "Oplot" cho Lực lượng vũ trang trong nước (VSU). Tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Ukraina Petr Poroshenko tuyên bố sẽ phân bổ hơn 12 triệu USD đặt mua số xe tăng chưa được tiết lộ.
Chưa kể đến chất lượng xuất khẩu, liệu ngành công nghiệp quốc phòng Ukraina hiện nay có đủ lực đáp ứng khối lượng xe tăng như vậy?
Tháng Giêng năm nay, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã hủy hợp đồng mua 54 xe "Oplot" (một phiên bản cải tiến của tăng T-80 thời Liên Xô) ký trước đó với Kiev do phía Ukraina không đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận. Hợp đồng trị giá 241 triệu USD được hai bên ký vào tháng Chín 2011. Trong 5 năm, Thái Lan chỉ nhận được 20 xe tăng. Kết quả là Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc, ông Pravit Vongsumon đã phải thú nhận rằng, các xe tăng Ukraina đang là vướng mắc chính trong quá trình nâng cấp của Quân đội Thái Lan. Không thể tiếp tục ngồi chờ, Thái Lan đã chọn xe tăng Trung Quốc VT-4.
Tuy thế, Ukraina vẫn đánh giá các "Oplot" của mình ngang bằng với tăng T-90A (Nga) và M1Abrams (Mỹ). Thậm chí so sánh với cả "Armata". Thực chất mà nói đó là sự tán dương (ứng trước) cho "Oplot" cũng như toàn ngành chế tạo tăng Ukraina.
Chuỗi những thất bại
Thiết bị bọc thép Ukraina trước kia đã bị Litva từ chối với lý do không đáp ứng các tiêu chuẩn NATO. Mặc dù các mẫu của Ukraina được chào với giá rẻ gấp bốn lần, Bộ Quốc phòng Lithuania vẫn quyết định mua 88 xe bọc thép Boxer của tập đoàn ARTEC Đức-Hà Lan (với giá 385,6 triệu euro).
Hợp đồng lớn Ukraina ký với Iraq bán 450 xe bọc thép (tổng trị giá 458 triệu USD) cũng thất bại thảm hại do không tuân thủ thời hạn giao hàng và các lỗi sản xuất (ví dụ, vết nứt trên vỏ xe). Phía Ukraina chỉ sản xuất và bàn giao được 88 xe bọc thép, giải thích sự chậm trễ và "các lỗi" bởi những khó khăn khách quan. Vấp phải thái độ vô trách nhiệm của đối tác cùng loạt khiếm khuyết kỹ thuật, Iraq đã từ chối nghiệm thu tất cả các xe của Ukraina. Vụ việc tương tự như vậy đã xảy ra với Quân đội Azerbaijan (Azerbaijan quay sang mua các xe tăng T-90MS của Nga).
Trước kia, công ty quốc phòng Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ (chuyên phát triển hệ thống bảo vệ chủ động AKKOR) và Ukroboronprom đã đàm phán hiện đại hóa các xe tăng và xe bọc thép Ukraina, nhưng thỏa thuận này không đạt được ký kết. Ukraina tự lực hiện đại hóa các tăng T-55, T-64, T-72, tuy nhiên những sản phẩm này khó tạo bất ngờ cho thị trường thế giới.
Vào cuối thế kỷ XX, Ukraina từng là một trong hai mươi nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu theo dữ liệu của Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm (SIPRI), năm 2013 Ukraina đoạt vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng vượt trên Italia và Israel. Nhiều năm ròng, đất nước Ukraina độc lập kinh doanh các di sản thời Xô viết. Những thiết bị pháo, xe bọc thép và máy bay được bán cho Trung Quốc, Iraq, Nigeria, Thái Lan, Sudan và Ethiopia. Chỉ trong giai đoạn 2005-2014, Bộ Quốc phòng Ukraina đã bán 838 xe tăng, 722 xe bọc thép BTR và xe chiến đấu bộ binh BMP, 236 máy bay trực thăng, 200 máy bay, 5.000 xe, chưa kể các vũ khí phòng không, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Mặc dù thu được lợi nhuận đáng kể nhưng thời gian đang phản lại Ukraina — kho vũ khí thời Liên Xô không là vô tận.
Sau cuộc đảo chính ở Kiev các "nhà cách mạng" lãnh đạo hoạt động buôn bán vũ khí chỉ lăm le thu tiền lời bằng cách nhanh nhất. Bên cạnh đó là tình trạng sản xuất xuống dốc do Kiev đơn phương ngừng hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga. Hôm nay, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraina đứng trước thực tế không có gì thay thế các phụ tùng và linh kiện Nga (khoảng 30.000 chi tiết), ở đây Mỹ và NATO đều bó tay.