Ngay cả các chuyên gia về nền chính trị châu Á đã ngạc nhiên với những tiến bộ mà Bắc Triều Tiên đạt được trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân. Trong nhiều năm qua, quan niệm phổ biến nhất về CHDCND Triều Tiên là: nước nghèo có mức phát triển kinh tế rất thấp, toàn bộ tiền vốn bỏ ra để phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, tiềm năng của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực công nghiệp — quân sự và khoa học-kỹ thuật là lớn hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia.
Như thường lệ, khi đánh giá nhịp độ phát triển của Bắc Triều Tiên, các chuyên gia sử dụng những dữ liệu về mức sống dân cư. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào số liệu đó thì không thể đánh giá đúng đắn mức phát triển công nghiệp, khoa học và giáo dục. Như được biết, CHDCND Triều Tiên có thể tự sản xuất máy điều khiển số vì đã duy trì và cải thiện các công nghệ nhận được từ Liên Xô vào những năm 1980. Bắc Triều Tiên tự sản xuất xe hơi và xe tải, máy móc nông nghiệp, toa đường sắt, tàu biển các loại đơn giản, thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện và thủy điện.
Khi đánh giá tiềm năng của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học- kỹ thuật và giáo dục, nên so sánh Bắc Triều Tiên với các nước Đông Âu trong phe xã hội chủ nghĩa vào những năm 1980.
Ngành công nghiệp quân sự của Bắc Triều Tiên tự sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không, xe tăng, xe bọc thép, tổ hợp tên lửa chống tăng, các hệ thống pháo binh. Người dân Bắc Triều Tiên nắm vững và làm chủ công nghệ sản xuất các hệ thống radar, tàu ngầm, tên lửa hành trình chống tàu, các loại vũ khí nhỏ và nhẹ, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị nhìn đêm.
Vì vậy, có tính đến mức độ phát triển ngành công nghiệp của CHDCND Triều Tiên không nên ngạc nhiên trước những tiến bộ của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực công nghệ tên lửa. Việc sản xuất tên lửa tầm trung và liên lục địa giúp Bắc Triều Tiên giải quyết các vấn đề mà Liên Xô và Hoa Kỳ đã giải quyết thành công trong những năm 1950 — 1960. Các máy tính và máy móc kỹ thuật có sẵn trên thị trường mở là hiện đại hơn nhiều so với thiết bị điện tử mà các chuyên gia Nga và Mỹ đã sử dụng nửa thế kỷ trước. Các chuyên gia của CHDCND Triều Tiên có thể sử dụng số lượng lớn dữ liệu công khai về những dự án nước ngoài, cũng như nhận thông tin qua các kênh tình báo khoa học kỹ thuật ở các nước yếu đuối và bất ổn, chẳng hạn như Ukraina.
Bắc Triều Tiên có ngành đào tạo kỹ sư trình độ cao, vì thế họ có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp trong quá trình thực hiện chương trình hạt nhân và tên lửa. Họ đang sở hữu các tên lửa nhiên liệu lỏng tầm trung và tầm ngắn và tên lửa hai tầng nhiên liệu rắn, đây là giai đoạn phát triển tên lửa sánh được với Liên Xô hồi những năm 1960.
Do đó, đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Bắc Triều Tiên chỉ đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Những quan điểm như vậy xuất hiện khi một số chuyên gia thiếu hiểu biết về đặc điểm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kiểu Liên Xô và cơ cấu công nghiệp của nó.