Quyết định hợp lòng dân
Đồng tình với quyết định nêu trên, ông Lê Như Tiến — nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một khi cán bộ không còn đủ tư cách, phẩm chất thì việc bị kỷ luật là rất đúng và hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm nói đi đôi với làm.
"Làm sao mà không xóa tư cách được khi lòng dân không yên, dư luận xã hội nổi lên. Vì vậy, quyết định của Thủ tướng rất kịp thời, được người dân đồng tình ủng hộ" — ông Tiến nói.
Đây không phải là lần đầu tiên có hình thức kỷ luật xóa tư cách cán bộ khi đương nhiệm. Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 — 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 388-QĐNS/TW ngày 3/11/2016.
Theo ông Lê Như Tiến, đây là một việc làm hết sức kiên quyết của Đảng đối với những người sai phạm, là lời răn đe, cảnh tỉnh đối với cán bộ đương chức, đương quyền nếu vi phạm, có khuyết điểm sẽ bị xử lý nghiêm minh kể cả khi đã nghỉ hưu.
Đây cũng là một giải pháp rất kiên quyết của Đảng nhằm xử lý, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, trong đó có cả những cán bộ, lãnh đạo cấp cao.
Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ
"Điều đó khẳng định không có chuyện "hạ cánh an toàn", kể cả những người đã về hưu, những khuyết điểm đáng thi hành kỷ luật thì vẫn xem xét" — ông Truyền khẳng định.
Sự cố Formosa đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế, xã hội, môi trường ở 4 tỉnh miền Trung. Để xảy ra sự việc này rõ ràng có trách nhiệm của những người thực thi công việc. Vì vậy, việc các cá nhân liên quan mắc sai phạm bị xử lý kỷ luật là thỏa đáng, tuy nhiên, theo ông Lê Truyền, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ mà dư luận quan tâm là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những thiệt hại về môi trường.
Trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, nhiều vụ việc, vụ án lớn, phức tạp đã được khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử với nhiều mức án; nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật như ông Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh, bà Hồ Thị Kim Thoa…
Có công thì thưởng, có tội thì phạt, xử lý đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đó là quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay, nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
Cũng theo ông Truyền "việc xử lý kỷ luật cán bộ kể cả khi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng cũng có thể nói trong công tác quản lý, công tác cán bộ đã xảy ra những mặt này, mặt khác, chưa đúng với mong muốn của Đảng và nhân dân". Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận đúng thực tế, rút ra những bài học sâu sắc để không còn phải xử lý những sai phạm rất nghiêm trọng đã thuộc về quá khứ.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Quy định này thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Chính trị để làm trong sạch đội ngũ cán bộ; là cơ sở, nền tảng để xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ khi thực thi công vụ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.
Nguồn: VOV