Bộ GTVT chỉ giảm phí, không di dời trạm
Theo ông Thạnh, những kiến nghị của Hiệp hội vận tải An Giang và người dân địa phương về sự bất hợp lý của trạm T2 đã có từ lâu.
UBND tỉnh An Giang đã nhiều lần làm việc với Bộ GTVT và chủ đầu tư dự án (Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ — An Giang — PV) về vấn đề vị trí đặt trạm thu phí. Tuy nhiên Bộ GTVT chỉ đồng ý miễn, giảm phí cho người dân chứ không có chủ trương di dời trạm thu phí.
"Phản ánh của người dân quá đúng. Đường đi xuống Cần Thơ có 1 tí mà 2 trạm thu phí. Theo quy định thì khoảng cách giữa các trạm BOT là 70 km/trạm. Nhưng 2 trạm thu phí chỉ cách nhau có mấy chục km.
Khúc An Giang, người dân đi về quốc lộ 80 xuống Kiên Giang — Rạch giá tại sao phải đóng phí. Rồi phương tiện đi qua KCN Trà Nóc, Thốt Nốt cũng vậy. Lý do gì thu phí của người dân", ông Thạnh khẳng định.
"Nếu địa phương gửi văn bản ra thì Bộ GTVT sẽ phát ngôn. Việc này có gì khác đâu, họp báo đã đầy đủ rồi. Nếu Bộ GTVT chỉ đạo thì Tổng cục sẽ phát ngôn", ông Huyện nhấn mạnh.
Đón lõng rút ví người dân
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 21/8, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải An Giang cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi các cơ quan ở Trung ương và địa phương kiến nghị di dời Trạm thu phí T2 (tại ngã ba Lộ tẻ — Rạch Giá) do đặt bất hợp lý.
Ông Xuân cho hay, theo thiết kế ban đầu, trạm T2 không có trong dự án. Tuy nhiên Bộ GTVT đã chấp thuận cho nhà đầu tư phát sinh thêm trạm T2. Trạm này đặt ngay yết hầu 3 tỉnh, thành phố (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ) nhằm để không lọt nguồn thu mặc dù việc thu là hoàn toàn bất hợp lý.
Theo ông Xuân, đến này điểm này, chủ đầu tư dự án BOT đã quyết định miễn 100% mức thu xe buýt, xe tuyến cố định chạy TP. Long Xuyên — TP. Rạch Giá, xe ven trạm. Tổng cộng có tất cả 73 xe đạt tiêu chuẩn và việc miễn giảm sẽ thực hiện từ ngày 1/9 tới.
Tuy nhiên nhiều phương tiện đường bộ tỉnh An Giang hoạt động qua cung đường quốc lộ 91 để qua quốc lộ 80 100 m như xe hợp đồng, xe tải, xe Container, taxi… để đi và về Long Xuyên — Rạch Giá (quốc lộ 80) vẫn phải trả phí trong khi Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ — An Giang (đơn vị quản lý dự án) chỉ nâng cấp mở rộng trên quốc lộ 91.
"Để hợp tình hợp lý nhất, đề nghị ngành chức năng là di dời trạm như văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký ngày 12/7/2017 gửi đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Việc di dời nên chốt lại thời gian vì lẽ cầu Vàm Cống sắp hoàn thành và đi vào hoạt động. Việc xe đi qua cầu phải nộp 2 lần thu phí khi 2 trạm cách nhau vài km là điều hoàn toàn bất hợp lý. Di dời trạm là phương án thượng sách và không để lọt phương tiện từ trên trạm T1 đi và về Rạch Giá đang được miễn phí hoàn toàn", ông Xuân nhấn mạnh.
Ông Xuân cảnh báo, hiện nay các đối tượng còn lại đang bức xúc và chuẩn bị phương án phản ứng như tại Trạm thu phí Cai Lậy. Trước tình trạng trên, Hiệp hội đã có lời khuyên can và động viên nên mềm mỏng chờ ngành chức năng xử lý.
Nguồn: Báo Đất Việt