Không thay đổi kiến nghị gửi Thủ tướng
"Đây là kiến nghị rất xác đáng, vì Sơn Trà là báu vật không ở nơi nào trên thế giới hay thành phố nào ở Việt Nam có được. Nếu chúng ta quy hoạch các khu lưu trú không thận trọng, thế hệ con cháu chúng ta sẽ không còn bán đảo Sơn Trà màu xanh nữa. Bảo tồn, phát triển bền vững là xu thế của du lịch thế giới và cũng là xu thế mà Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố: không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân", ông Vinh khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: chính quyền Đà Nẵng luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến liên quan việc bảo tồn, phát triển tại bán đảo Sơn Trà. Các ý kiến của Hiệp hội, cũng như của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nhà đầu tư sẽ được thành phố xem xét tổng hợp để có báo cáo gửi Thủ tướng đảm bảo nội dung và đúng tiến độ, yêu cầu.
"Quan điểm là phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, trong đó yếu tố an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học phải xem xét hết sức cẩn trọng. Qua nhiều lần làm việc, căn cứ nhiều ý kiến đã sơ bộ sà soát các dự án tại đây", ông Tuấn cho biết.
Sẽ cắt giảm, hủy một số dự án ở Sơn Trà
"Nguyên tắc rà soát lần này đưa ra một số tiêu chí về an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học", ông Tiến cho biết
Về an ninh quốc phòng, ông Tiến cho biết: Đã làm việc với BCH quân sự TP và qua rà soát có một số dự án có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng nên phải cắt giảm. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án được phép dưới bình độ 200m trở xuống, tuy nhiên một số vị trí có yếu tố nhạy cảm so với quyết định 3412 của Bộ Quốc phòng nên đã lưu ý đưa vào rà soát. Dự án nào vi phạm quyết định này phải cắt giảm. Thành phố đề nghị khu vực từ bình độ 100m trở xuống sẽ sử dụng cho các dự án có yếu tố lưu trú. Khu vực từ bình độ 100m đến 200m sẽ phục vụ cho phát triển du lịch thuần túy, không có yếu tố lưu trú, không xây dựng công trình trên khu vực này. Trong yếu tố lưu trú cũng cắt giảm không cho cư trú, chỉ cho phép lưu trú về du lịch.
Về đa dạng sinh học, ông Tiến cho biết: Sở TN&MT đã căn cứ 9 nghiên cứu từ năm 1995 đến nay về đa dạng sinh học ở Sơn Trà để đưa ra vùng thường gặp sự xuất hiện của động vật quý hiếm và cây dược liệu. Đa phần tập trung ở phía Đông và Đông Bắc. Qua rà soát đã loại trừ các dự án ở khu vực này. Ngoài ra, vấn đề hành lang xanh để kết nối tự nhiên các khu vực, trong quá trình rà soát cũng đã tính đến. Đặc biệt là khu vực dự án Bãi Bắc. Riêng vấn đề rừng, trong đó có rừng đặc dụng, thành phố sẽ thu hồi các dự án tại đây, tuyệt đối không xâm hại vào rừng đặc dụng.
"Trên tinh thần đó, Sở KH&ĐT đã cắt giảm quy mô các dự án, cũng như buồng phòng. Số lượng quy đổi buồng phòng trước đây rất cao, qua rà soát số lượng đã giảm đáng kể, tương đương số lượng buồng phòng mà du lịch phát triển đưa ra", ông Tiến cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh không có ý kiến về chủ trương cũng như việc rà soát các dự án tại Sơn Trà, tuy nhiên ông Vinh đặt 2 câu hỏi cho lãnh đạo Đà Nẵng: Khi rà soát thành phố có rà soát tính pháp lý của các dự án đã cấp hay không? Trên bán đảo Sơn Trà không chỉ có 18 dự án mà còn có 138 biệt thự đã cấp cho các cá nhân, những biệt thự này có được rà soát và giải quyết như thế nào?
Ông Tuấn cho biết: việc rà soát đi sâu vào quy mô. Trong đó, tính pháp lý của các dự án là một tiêu chí để đánh giá. Khi báo cáo Thủ tướng, Đà Nẵng sẽ trình bày tính pháp lý và quan điểm của thành phố về các dự án. Riêng số biệt thự, cũng sẽ rà soát, nếu không nằm trong các tiêu chí mà thành phố đã thống nhất thì phải cắt giảm, thay đổi, thậm chí phải hủy.
"Đà Nẵng rất nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ. Đà Nẵng cũng chờ đợi Chính phủ có những ý kiến tiếp theo để xử lý các vấn đề liên quan đến dự án ở Sơn Trà", ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Khu Đông và Đông Bắc bán đảo Sơn Trà là khu nhạy cảm về an ninh quốc phòng, những dự án đã được chấp thuận tại đây cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng, cơ bản sẽ hủy các dự án. Riêng các dự án đã hoàn thành, ông Tuấn cho biết xin ý kiến cho tồn tại nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải làm hành lang xanh để đảm bảo việc di chuyển cho động vật quý hiếm.
Nguồn: Tiền Phong