Đại án Oceanbank: Nguyên Chủ tịch PVN "nuốt" 69 tỷ đồng như thế nào?

© AP Photo / Doan Tan/Vietnam News AgencyNguyễn Xuân Sơn
Nguyễn Xuân Sơn - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sáng 30-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank.

HĐXX tiến hành thẩm vấn nhóm bị cáo bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến số tiền gần 69 tỷ đồng thông qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam (viết tắt là Công ty BSC) do Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Oceanbank thành lập.

© AP Photo / Doan Tan/Vietnam News AgencyHà Văn Thắm
Hà Văn Thắm - Sputnik Việt Nam
Hà Văn Thắm

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ) khai, Thắm thành lập Công ty BSC và nhờ Tứ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện trước pháp luật. Mang danh là vậy nhưng thực tế Tứ không góp vốn, không quản lý công ty này bởi mọi việc cô đều thực hiện một cách thụ động theo chỉ đạo của Thắm.

Việc làm đầu tiên của Tứ trong vai trò Chủ tịch HĐQT là thực hiện theo chỉ đạo của Thắm ký bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang (42 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, được Thắm tuyển dụng và bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Pháp chế Oceabank) làm Tổng Giám đốc Công ty BSC để điều hành các hoạt động tại công ty này.

Ngoài ký bổ nhiệm Giang, Tứ còn thực hiện theo chỉ đạo của Thắm ký hợp đồng lao động với nhiều người khác vào làm ở công ty đảm nhận các vị trí quan trọng như kế toán, thủ quỹ.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đến tòa - Sputnik Việt Nam
Đại án OceanBank: Cựu chủ tịch PVN bất ngờ thay đổi toàn bộ lời khai
Trong thời kỳ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, Tứ đã thực hiện chỉ đạo của Thắm để ký 98 hợp đồng dịch vụ để thu phí của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ tại Oceanbank với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng, trong đó có 48 hợp đồng có chữ ký nháy của Giang. Vì thế nên khi Thắm bị bắt, Tứ BỊ xác định phạm tội với vai trò đồng phạm với Thắm.

Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng này đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi bản thân cô là đại diện Công ty BSC nên phải ký để hoàn thiện.

Dù là người ký hợp đồng nhưng cô không biết gì về những hoạt động gì của công ty do mình giữ chức vụ cao nhất. Những bản hợp đồng do cô ký kết sau đó được chuyển qua bộ phận chuyên môn khác để rút tiền. Số tiền ấy đi đâu, sử dụng vào việc gì thì cô không biết vì Giang làm mọi thứ rồi đưa lên cô chỉ việc ký.

Tài liệu điều tra còn xác định, theo chỉ đạo của Thắm, Tứ đã ba lần nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của Công ty BSC để chuyển cho Sơn, lúc đó là Tổng Giám đốc Oceanbank. Tứ khai, cô đưa số tiền ấy cho Sơn tại phòng làm việc của ông ta. Khi đưa, cô không biết là tiền gì và không được hưởng lợi gì.

Nhưng "tình ngay, lý gian", với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, việc làm của Tứ được cơ quan tố tụng xác định đã giúp sức cho Thắm sử dụng công ty này để thu phí, lấy tiền chi trái quy định theo yêu cầu của Sơn nên cô phải chịu trách nhiệm hình sự từ hậu quả do mình gây ra.

Bị cáo Phạm Hoàng Giang, cựu Tổng Giám đốc Công ty BSC khai, theo giới thiệu của bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank, tháng 4-2009, Giang được Thắm tuyển vào làm Phó trưởng Phòng Pháp chế Oceanbank.

Để thực hiện việc sử dụng Công ty BSC ký các hợp đồng dịch vụ thu phí đối với khách hàng vay vốn tại Oceanbank, lấy tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn, Thắm đã bổ nhiệm Giang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty BSC với mức lương 10 triệu đồng một tháng.

Ngân hàng OceanBank tại tòa nhà PetroVietnam tại Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam
OceanBank đào “mỏ tiền” PVN như thế nào?
Trong thời gian Giang giữ chức vụ tại Công ty BSC, Giang đã ký và tham gia vào 721 hợp đồng dịch vụ khống, thu tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra, Giang còn ký 80 hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản có kỳ hạn với khách hàng không đủ điều kiện vay vốn của Oceanbank, thu phí được gần 19 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, Giang phải chịu trách nhiệm về tiền thu phí gần 69 tỷ đồng.

"Bị cáo không biết ai đưa ra mức phí này, các hợp đồng dịch vụ đều được soạn sắn để bị cáo ký. Các hợp đồng do cán bộ tín dụng và cán bộ kinh doanh ở các đơn vị thuộc Oceanbank dự thảo, sau đó các cán bộ có trách nhiệm khác ký nháy vào hợp đồng rồi chuyển cho bị cáo ký chính thức. Bị cáo cũng không tiếp xúc, đàm phán với khách hàng ký hợp đồng, bị cáo cũng không biết số tiền phí dịch vụ thu được sau đó sử dụng vào việc gì. Xin HĐXX xem xét đến hành vi phạm tội của bị cáo là do bị sức ép từ cấp trên mà phải làm", Giang khai.

Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được thẩm vấn tiếp theo. Thắm khai, cuối năm 2008, một Tập đoàn lớn đã ký thoả thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank, qua đó đã cử Nguyễn Xuân Sơn tham gia thành viên HĐQT ngân hàng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank.

Hoàng Thị Hồng Tứ - Sputnik Việt Nam
Đại án Oceanbank: Nữ diễn viên điện ảnh sa lầy ghế Chủ tịch HĐQT như thế nào?
Đầu năm 2009, khi Thắm trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, Sơn chủ động đề nghị Thắm hai vấn đề: Thứ nhất, để huy động được vốn từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã cử Sơn tham gia thành viên HĐQT, Oceanbank phải chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi. Thứ hai, Sơn phải được toàn quyền quyết định việc chi phí số tiền đó mà không cần trao đổi với ai.

"Do Oceanbank mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên sau khi tính toán, bị cáo đã đồng ý hai đề nghị trên. Để có nguồn tiền "chăm sóc khách hàng" theo yêu cầu của Sơn, bị sử dụng Công ty BSC để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceabank nhằm thu phí. Với mục đích trên, bị cáo đã chỉ đạo Hoàng Thị Hồng Tứ thực hiện các yêu cầu của mình để Sơn chiếm đoạt được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng", Thắm khai.

Bị cáo Thắm thừa nhận đã chỉ đạo Tứ, Giang và một số bị cáo khác thực hiện việc trung chuyển tiền trái quy định về lĩnh cực tài chính-ngân hàng vào Công ty BSC, sau đó lấy số tiền này chi cho Sơn hưởng lợi. Thắm đề nghị HĐXX xem xét không đồng phạm với Sơn vì mình không được hưởng lợi gì trong số tiền này.

"Việc bị cáo thực hiện là do bị sức ép nguồn khách hàng, trong khi đó Sơn được Tập đoàn lớn cử về tham gia HĐQT của Oceanbank nên nếu không chiều theo ý Sơn thì Oceanbank mất nguồn khách hàng lớn của Tập đoàn này", Thắm thanh minh.

Với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai, giữa năm 2009, Thu là Phó Tổng Giám đốc Oceanbank phụ trách Khối nguồn vốn đã tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc thực hiện trên toàn hệ thống Oceanbank về việc thu thêm tiền chênh lệch ngoài tỷ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng.

Những bóng hồng gặp hạn vì dính vào đại gia Hà Văn Thắm - Sputnik Việt Nam
Những mỹ nữ vướng lao lý cùng đại gia Hà Văn Thắm
Thu giao cho Giám đốc Khối nguồn vốn Oceanbank làm đầu mối phối hợp với các chi nhánh cung cấp tỷ giá vượt trần khi có khách mua ngoại tệ để thực hiện việc bán ngoại tệ cho khách hàng với tỷ giá cao hơn trần dịch vụ ký với Công ty BSC.

Theo chỉ đạo này, Khối nguồn vốn và các chi nhánh của Oceanbank khi thực hiện 651 hợp đồng mua bán ngoại tệ với khách hàng đã yêu cầu khách hàng ký 200 hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC, thu được "nguồn phí" hơn 14 tỷ đồng.

Thu biết số tiền này được chuyển về Công ty BSC nhưng không biết Thắm và Sơn sử dụng số tiền này như thế nào.

"Bị cáo biết việc mình làm theo chỉ đạo của Sơn là trái quy định, nhưng bị cáo không được hưởng lợi gì trong việc này. Đề nghị HĐXX xem xét đến vai trò cấp dưới của bị cáo lúc đó mà phải thực hiện theo chỉ đạo", Thu nói.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được thẩm vấn cuối buổi sáng về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng xác định, sau khi được Tập đoàn lớn cử sang Oceanbank tham gia HĐQT và giữ chức Tổng Giám đốc.

Lạm dụng chức vụ được giao, với vị thế là người của người Tập đoàn cử sang — đối tác chiến lược cử sang tham gia điều hàng Oceanbank, Sơn yêu cầu Thắm cần chi thêm tiền "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng đối với số tiền huy động của các đơn vị thành viên Tập đoàn.

Cựu chủ tịch PVN có thể sẽ lãnh án tử hình - Sputnik Việt Nam
Đại án Oceanbank: Thực chất tiền vào túi ai?
Được sự đồng ý của Thắm, Sơn đã chỉ đạo Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu, phụ trách khối nguồn vốn triển khai thực hiện việc thu thêm phí ngoài tỷ giá theo quy định trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng thông qua việc yêu cầu khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC nhằm tạo thêm nguồn thu theo yêu cầu của mình và chiếm đoạt số tiền gần 69 tỷ đồng như nêu trên.

Trả lời HĐXX thẩm vấn về hành vi này, bị cáo Sơn thừa nhận có nhận các khoản tiền từ Thắm và cấp dưới của Thắm chuyển cho được lấy từ Công ty BSC, nhưng không nhớ đã nhận bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền.

HĐXX hỏi "Vậy bị cáo nhận khoảng bao nhiêu?". Sơn trả lời "Sau khi đọc cáo trạng, thấy xác định bị cáo nhận hơn 96 tỷ đồng thì bị cáo cũng nghĩ mình cũng nhận khoảng trên dưới số tiền đó". HHĐX hỏi tiếp "Vậy sao trong quá trình điều tra bị cáo không nhận đã nhận các khoản tiền này?".

Sơn trả lời "Vì lúc đó, bị cáo nghe nói nguồn tiền đó được lấy từ các Khối chuyên môn của Hội sở Oceanbank và các đơn vị khác của Oceanbank nên bị cáo không nhận". HĐXX hỏi tiếp "Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có đúng không?".

Sơn trả lời lạc đề "Bị cáo nghĩ đấy là tiền của Thắm nên mới nhận chứ không nghĩ đó là tiền của Oceanbank".

Theo baoxaydung/сand.com.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала