Ông được dư luận đặc biệt quan tâm khi đầu tháng 8-2017 cùng với ông Chen Yi Long, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc, đề xuất với Thủ tướng cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Văn bản với những cam kết rất "hoành tráng" là xây dựng sân bay Long Thành theo hướng "hiện đại và văn minh". Thời gian xây dựng và vận hành, chỉ từ 3-5 năm và với giá thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
"Tỉ phú giấu mặt"
Geleximco hiện là cổ đông chiến lược của rất nhiều doanh nghiệp lớn như sở hữu 13% vốn tại Ngân hàng An Bình (ABBank), 42,5% vốn Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS); 83% vốn tại Ngôi Sao An Bình (vốn điều lệ 550 tỉ đồng).
Cá nhân ông Vũ Văn Tiền hiện sở hữu 4,76% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội — Hanic (vốn cổ phần 1.175 tỉ đồng); Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC…
Một số dự án, công trình lớn của Geleximco là dự án đường cao tốc Hòa Lạc — Hòa Bình theo hình thức hợp đồng xây dựng — chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư 3.403.755 tỉ đồng; Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại huyện Hoài Đức và hai bên đường Lê Trọng Tấn thành phố Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 135 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng…
KAIDI liên tiếp trúng thầu các dự án nhiệt điện
Cụ thể, dự án Nhà máy điện Thăng Long 2x300MW, Nhà máy điện Hải Dương 2x600MW và dự án Nhà máy nhiệt điện bảo vệ môi trường Cẩm Phả 3, với tổng giá trị hợp đồng đạt gần 4 tỉ USD.
Trong đó, nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) do tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, công suất 400MW. KAIDI Dương Quang làm tổng thầu EPC. Đây cũng là dự án mở đầu cho các bước đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp này.
Xây dựng sân bay, nhà thầu Trung Quốc còn kém kinh nghiệm
Liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam cùng đối tác Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, theo Thiếu tướng, Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng Bộ GTVT cần cẩn trọng.
Theo ông Cương, Bộ GTVT phải khảo sát các công ty nào trên thế giới có kinh nghiệm ở lĩnh vực này. Sau đó xếp hạng và chọn ra các nhà đầu tư có kinh nghiệm, chất lượng tốt:
"Về xây dựng sân bay, tôi tin Trung Quốc không phải là đơn vị xây dựng tốt…", ông Cương khẳng định.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia kỹ thuật hàng không khẳng định nhà thầu Trung Quốc không phải là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm về xây dựng sân bay. Vì vậy, sân bay tại các thành phố lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc)… đều mời tư vấn quốc tế như Anh, Mỹ để làm. Bên cạnh đó, hiện nay các sân bay đẹp nổi tiếng trong khu vực Châu Á không phải do Trung Quốc xây dựng.
Sân bay Quốc tế Long Thành là dự án lớn, khi hoàn thành phải cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, vì vậy TS Thiện Tống cho rằng Bộ GTVT nên chọn các công ty lớn, có kinh nghiệm để lập báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng sân bay.
"Theo tôi, việc xây sân bay Long Thành tốt nhất nên mời các công ty ở Anh, Mỹ, Hà Lan… vì họ có kinh nghiệm hàng trăm năm về lĩnh vực này. Nếu các nước Châu Á chúng ta nên chọn công ty Hàn Quốc, Nhật Bản bởi trình độ xây sân bay của họ hơn hẳn Trung Quốc… Chúng ta cũng không nên ham rẻ, vì có cầu "tiền nào của nấy". Long Thành là sân bay Quốc tế, nên không thể qua loa…"- TS Phạm Tống nhấn mạnh.
Nguồn: PLO