Theo các tờ trình của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), hiện việc quản lý nợ công đang giao cho ba cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch — Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, điều ông Hiển nhận xét là chồng chéo.
"Từ đó dẫn đến việc không quản lý tốt các khoản vay nước ngoài. Nhiều lần Chính phủ đã phải báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh các khoản vay ODA vượt dự toán", ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng tiết lộ là ông vừa đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội chuẩn bị văn bản chính thức thông báo với Chính phủ là tổng các khoản vay ODA đã sắp vượt 300.000 tỉ đồng (không rõ ông Hiển nói ngưỡng vay ODA đặt ra cho giai đoạn nào — PV), tức là đã đến ngưỡng Quốc hội cho phép, nếu tiếp tục vay thì nợ công sẽ vượt trần 65% GDP.
"Trong quá trình đàm phán vay ODA, thực hiện các thủ tục thì Chính phủ có thể phân công, phối hợp làm sao cho có hiệu quả nhất", ông Hiển nói.
Trước đó, bình luận về việc cắt khúc quản lý khi có 3 cơ quan cùng có chức năng, nhiệm vụ về quản lý nợ công, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lấy ví dụ trước đây vay về cho Vinashin vay lại, đến khi Vinashin không trả được thì Chính phủ phải trả thay.
"Nhiều đầu mối sẽ khó kiểm soát. Tôi đồng tình giao cho Bộ Tài chính thống nhất quản lý, có thể Bộ Kế hoạch — Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước không hài lòng, nhưng chúng ta phải thống nhất chủ trương đổi mới là một việc chỉ giao cho một đơn vị, không giao một việc cho nhiều đơn vị" — ông Phúc phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng vừa qua nợ công có tình trạng không cân đối được, đến hạn trả nợ lại phải vay đảo nợ. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc cắt khúc trong quản lý nợ công.
"Bây giờ đặt ra yêu cầu thống nhất đầu mối, tôi từng làm ở Chính phủ cũng hiểu được tâm lý là bộ, ngành cái gì họ đang làm rồi, đang quản lý rồi thì không muốn giao cho người khác. Nhưng chúng ta phải vì cái chung, vì đất nước", bà Ngân nhấn mạnh.
Nguồn: Tuổi Trẻ