Nghị định 51/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010. Sau 7 năm thực hiện, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã đạt được nhiều kết quả có thể kể tới như: Tạo ra sự đổi mới trong việc trao quyền tự chủ về hoá đơn cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý hoá đơn; hạn chế tình trạng hoá đơn khống, mua bán lòng vòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đem lại lợi ích cho DN, cho cơ quan quản lý và toàn xã hội.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Nghị định 51 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến áp dụng hoá đơn điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong áp dụng hóa đơn điện tử.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử; đồng thời, có các quy định nhằm hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, tiến tới áp dụng đại trà hóa đơn điện tử trong năm 2018. Đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang áp dụng; các DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018.
Với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính phải chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018 còn hóa đơn do DN đặt in trước 1/1/2018 sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2018…
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi còn đề xuất một số nội dung như bỏ mức ngưỡng 200.000 đồng khi áp dụng hóa đơn điện tử; khi áp dụng hóa đơn điện tử thì không áp dụng hóa đơn giấy, trừ một số trường hợp bất khả kháng khi không có mạng internet…
Nguồn: Viettimes