Trong tay chúng ta, trực thăng UH-1H đã phát huy vai trò rất tốt trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Theo lời Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 những năm 1978 — 1979, đơn vị khai thác cả hai dòng trực thăng Nga — Mỹ thì:
Ưu điểm nổi bật của UH-1 là độ linh hoạt rất cao, xoay trở nhanh, không kén chọn bãi, có thể hạ cánh trên nền đất yếu, lồi lõm như mặt ruộng, thời gian đổ quân chỉ 10 giây. Trong khi đó, các trực thăng Mi-8/17 khá nặng nề, xoay trở chậm chạp, cần bãi đáp phù hợp, thời gian đổ quân mất ít nhất 1 phút.
Tuy nhiên do thời gian hoạt động đã lâu, những chiếc UH-1 này đã sắp đến lúc bị loại biên, đây là điều đáng tiếc khi Việt Nam vừa mới thành lập lực lượng đổ bộ đường không, đang thiếu một loại máy bay lên thẳng hạng nhẹ linh hoạt, tin cậy cao.
Phương án dùng Mi-8/17 thay thế không thực sự hoàn hảo vì những nhược điểm đã nêu, còn lựa chọn trực thăng châu Âu sản xuất thì lại tỏ ra vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách.
Bởi vậy có lẽ vào giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần một phương án tạm thời để thay thế UH-1H và đối tượng tối ưu để kế thừa UH-1 phải chăng lại chính là… UH-1.
Hiện nay trực thăng UH-1 vẫn đang phục vụ với số lượng lớn trong Quân đội Mỹ, trong đó phiên bản UH-1N Venom của Thủy quân lục chiến sẽ được sử dụng lâu dài.
Tuy bị ngừng bay nhưng khung thân UH-1N Twin Huey còn khá tốt, ít nhất cũng tốt hơn hẳn UH-1H, còn sử dụng thêm được ít nhất 20 năm nữa.
UH-1N mang đầy đủ mọi ưu điểm của dòng UH-1, lại tin cậy hơn nhờ kết cấu 2 động cơ (UH-1N chỉ là 1) và được tích hợp hệ thống quang — điện tử dưới mũi có thể dẫn bắn cho tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser.
Giá thành UH-1N bán theo EDA dự báo rất rẻ, với mối quan hệ hợp tác mọi mặt ngày càng tốt đẹp trong đó có quốc phòng, UH-1N đang đứng trước cơ hội trở thành ứng viên sáng giá để kế thừa những chiếc UH-1H của Việt Nam.
Nguồn: Báo Đất Việt