Gửi tiền và "ăn" chênh lãi suất có hệ thống
Gần 1 tháng xét xử, đại án kinh tế OceanBank chứng kiến những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa của 34 giám đốc chi nhánh các ngân hàng (NH) thuộc OceanBank, khi chỉ vì lệnh của cấp trên phải chấp hành, chi lãi suất ngoài, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự chắc chắn chưa dừng lại ở đó. Song phía sau bản án, con số thiệt hại nghìn tỉ đồng dư luận không thể không đặt câu hỏi: Ai là người đã tạo ra liên minh ma quỷ "đại dương — dầu khí" để giờ đây đẩy hàng loạt cán bộ NH, dầu khí rơi vào cảnh tù tội?
Văn bản đó trở thành sợi dây siết chặt PVN với OceanBank và nó cũng vô tình trở thành một vũng lầy của ngành dầu khí, NH và nền kinh tế. Nói vậy bởi ở thời điểm 2008 — 2011, kinh tế suy thoái, lạm phát tăng phi mã 18 —20%, thị trường vàng và ngoại tệ sốt nóng, liên tục bất ổn khi giá USD, vàng tăng cao. Đặc biệt, một loạt các NH rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Lạm phát cao, trong khi lãi suất tiền gửi chỉ có 14%/năm khiến các nhà băng nhỏ rơi vào cảnh khát vốn. Chính vì vậy mà nguồn tiền gửi của PVN tại OceanBank trở thành phao cứu sinh mà Thắm không thể buông.
Nguyên Chủ tịch PVN chịu trách nhiệm gì?
Dòng tiền khổng lồ của PVN lúc đó có thể cứu cả vài nhà băng đang đói thanh khoản. Vấn đề là tại sao PVN lại chọn OceanBank và tại sao nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng lại ký văn bản buộc toàn ngành dầu khí phải gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm? Tại tòa, Thắm khai chi 246 tỉ đồng lãi ngoài, chăm sóc khách hàng VIP của PVN, song mới chỉ có Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận nhận 20 tỉ chi tiêu cá nhân.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc gửi tiền của PVN vào OceanBank không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về tiền bạc, tài sản mà nó còn để lại di chứng cho cả nền kinh tế. Là một tập đoàn lớn, sở hữu nguồn "vàng đen" là dầu mỏ của cả quốc gia, song PVN đã biến những lợi thế đó trở thành lợi ích nhóm, biến OceanBank thành "sân sau" đứng ra thu xếp tài chính bằng luật "ngầm" đi đêm lãi suất. Hành vi này đã làm cho cả thị trường tài chính hỗn loạn, các cuộc cạnh tranh ngầm lãi suất liên tiếp diễn ra, khiến lãi suất tăng cao đẩy hàng chục nghìn doanh nghiệp vào cảnh giải thể, phá sản. Nếu không bị phát hiện và xử lý, có lẽ giờ này không biết thị trường tài chính và nền kinh tế sẽ khó khăn đến đâu?
Theo kết quả điều tra, PVN đã góp vốn vào OceanBank 3 đợt, tổng cộng 800 tỉ đồng. Việc góp vốn của PVN có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân trong HĐTV, ban tổng giám đốc, người đại diện góp vốn và ban kiểm soát. Mất tiền, mất của nhưng thiệt hại nặng nhất mà liên minh PVN — OceanBank gây ra là hàng loạt cán bộ của hai tập đoàn này rơi vào tù tội, gia đình ly tán. Trách nhiệm cá nhân của từng người, từng vị trí đã được xác định và sẽ có bản án đích đáng. Song dư luận băn khoăn rằng vai trò, trách nhiệm hình sự của những người đứng đầu PVN đã ban hành chủ trương lúc đó sẽ được xem xét như thế nào?
Nguồn: Thanh Niên