Những người này được xác định đã giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 2.550 tỉ đồng.
Vậy cá nhân ông Trần Bắc Hà (chủ tịch HĐQT BIDV) liên quan gì trong vụ án này?
Tháng 4-2013, khi cần tiền để tăng vốn điều lệ cho VNCB, Phạm Công Danh đã tìm đến BIDV.
Tại đây, sau khi nhận được sự ủng hộ của BIDV thông qua các thỏa thuận hợp tác, Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống các hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV, đồng thời dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất ở sân vận động Chi Lăng, khu đất trên đường Trường Chinh (Đà Nẵng) và 3.070 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỉ đồng.
Đến ngày 5-5-2014, các chi nhánh của BIDV đã thu đủ cả gốc và lãi từ bên bảo lãnh trả nợ thay với tổng số tiền là 2.550 tỉ đồng.
Kết quả giám định về thiệt hại cho thấy việc VNCB bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỉ đồng.
Ngoài ra, kết luận của đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của BIDV cho thấy: BIDV xem xét việc cho vay khi chưa đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi hiệu quả là chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng;
BIDV cam kết cho khách hàng vay khi khách hàng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm; hồ sơ bảo lãnh chưa phù hợp với quy định.
Với những sai phạm của nhóm lãnh đạo VNCB, nhóm giám đốc các doanh nghiệp, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 3 cá nhân là cán bộ của BIDV chi nhánh Gia Định đã gây thiệt hại cho VNCB là Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, ông Trần Bắc Hà và các thành viên của phân ban quản lý rủi ro không cho Phạm Công Danh vay, cũng không biết các công ty này do Phạm Công Danh thành lập.
Bản thân BIDV không bị thiệt hại từ việc cho vay vốn. Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh các cá nhân này được hưởng lợi từ việc cho vay trên. Do đó không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Trần Bắc Hà và những thành viên phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV.
Nguồn: Tuổi Trẻ