Theo các nhà Việt Nam học phương Tây, Hiệp định sơ bộ 6.3 chính là một khung pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cược uy tín của mình để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh giữa hai dân tộc Pháp — Việt. Do các thế lực đế quốc không nhìn nhận thiện chí của Việt Nam trong các văn bản pháp lý đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa đến trận bão nhấn chìm hệ thống thuộc địa kiểu cũ.
Trong sách Việt Nam: Lịch sử và chiến tranh (Vietnam — Warfare and History), NXB University Press of Kentucky phát hành năm 1999, Giáo sư Spencer Tucker viết về Hiệp định sơ bộ 6-3 như sau:
Tin chắc rằng Việt Minh là một trào lưu dân tộc chủ nghĩa mà Pháp không thể khuất phục bằng quân sự, Leclerc ép đại diện của Pháp ở miền Bắc, Jean Sainteny, ký bằng được một thỏa ước với Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính phủ đang kiểm soát Hà Nội và Hải Phòng. Trong một báo cáo mật gửi về Paris hôm 27.3, Leclerc nói sẽ không một giải pháp nào bằng bạo lực là khả thi ở Đông Dương.
6.1.1946, chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tuyển cử, chủ yếu trên các vùng phía bắc của đất nước. Dù các cuộc bầu cử diễn ra không hề dễ dàng, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thắng cử là điều không thể nghi ngờ.
Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đê điều ở miền Bắc ở trong tình trạng tồi tệ vì một thời không được gia cố và do các cuộc ném bom của Đồng minh, đa số dân cư vẫn chịu nạn đói. Hồ Chí Minh buộc phải thương thảo (để tránh đụng độ ngay) với Pháp…
Trong một điểm then chốt của Tạm ước 6.3, Pháp chấp thuận về một cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam để quyết định xem Nam Bộ có tham dự vào thành phần một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất, nhưng ngày tháng tiến hành cuộc tuyển cử này chưa được nêu trong nội dung Tạm ước. Pháp đồng ý huấn luyện và trang bị cho quân đội trẻ tuổi của Việt Nam.
Hòa hoãn có nguyên tắc
Hai mươi năm sau, trên nền một cuộc chiến bế tắc và đứng trước một triển vọng đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về lối thoát khỏi "đường hầm", các chiến lược gia Mỹ đã nhìn lại Hiệp định 6.3 trong một tài liệu đánh giá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945 — 1977.
Sử dụng các tư liệu là các điện mật của phái bộ Mỹ gửi từ Hà Nội năm 1946, tài liệu này viết:
Chính quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt phải đương đầu với sức mạnh quân sự của nước Pháp, trong lúc quân Trung Hoa đang rút ra, mặt khác vẫn chưa giành được sự cứu trợ của Liên Hiệp quốc hay Mỹ. Trong bối cảnh đó, Hồ Chủ tịch đã không còn kế sách nào khác ngoài thương lượng với Pháp.
Một Tạm ước được ký vào 6.3.1946, giáng một đòn mạnh lên thanh danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam Quốc dân đảng chống lại thỏa ước này, thậm chí chống lại đàm phán với Pháp, nhưng Hồ Chí Minh đã đủ thận trọng mang những người đại diện của phe chống đối tới các cuộc đàm phán với Sainteny, người phát ngôn của Pháp.
Kết quả là Hiệp định 6.3 không chỉ được ký bởi Hồ Chí Minh và Sainteny, mà còn bởi cả Vũ Hồng Khanh, lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng. Tuy nhiên, những ác cảm với Pháp vẫn dấy lên mạnh mẽ, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải dùng hết uy tín của mình ngăn chặn những chống đối nhằm vào (chính quyền) Việt Minh…
Nguồn: Dân Việt