Dự tính Việt Nam sẽ tự sản xuất với số lượng lớn tên lửa chống hạm KCT-15, bao gồm cả 3 biến thể: phóng từ tàu mặt nước, phóng từ trên không và phóng từ đất liền.
Ngoài ra Việt Nam cũng có quyền xuất khẩu KCT 15 sang bất kỳ nước nào, giống như trường hợp Ấn Độ xuất khẩu tên lửa BrahMos. Sự bổ sung số lượng lớn vũ khí tối tân trên sẽ giúp năng lực phòng thủ của chúng ta tăng vượt bậc so với hiện nay.
Việc chỉnh sửa nhằm hoán đổi công năng theo nhận định cũng không quá khó khăn, chỉ cần thay thế đầu dò radar chủ động bằng đầu dò so khớp ảnh địa hình, kết hợp với hệ thống tham chiếu, hiệu chỉnh đường bay thông qua định vị toàn cầu GPS hoặc GLONASS… thì sẽ có một vũ khí như ý muốn.
Có thể dễ dàng kể ra đây một vài trường hợp tiêu biểu như loại 3M-14 Kalibr được sản xuất dựa trên tên lửa chống hạm siêu âm 3M-54, CM-602 — bản đối đất của YJ-62, hay thậm chí gần đây cả tên lửa P-800 Oniks/Yakhont và PJ-10 BrahMos cũng đã có biến thể tấn công mặt đất.
Với trọng lượng nhỏ, nhẹ, giá thành ước tính chỉ bằng 1/3 so với Kalibr và dự kiến còn được ứng dụng công nghệ dẫn đường cùng thuật toán điều khiển tiên tiến giúp tầm bắn tăng vọt lên 300 km (so với 130 km của Kh-35 Uran-E), một tàu cỡ nhỏ như Molniya 1241.8 cũng có thể mang theo ít nhất 8 quả KCT 15 bản đối đất để bất ngờ tiếp cận căn cứ đối phương rồi tung đòn sấm sét.
Rõ ràng việc chế tạo thêm phiên bản đối đất của tên lửa KCT 15 sẽ mang lại lợi ích rất lớn, công nghệ cũng không còn là điều quá cao siêu như một vài thập niên trước nữa. Vì vậy không loại trừ khả năng sau khi đã làm chủ quá trình sản xuất KCT 15 đối hạm, Việt Nam sẽ cho ra đời nốt biến thể cuối cùng.
Nguồn: Báo Đất Việt