Tình hình mối quan hệ Trung-Việt là ổn định đến mức nào? Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện châu Á và châu Phi Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU), viết:
Trong cuộc đàm phán về biên giới giữa Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc Phạm Trường Long và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng, hai bên sẽ củng cố sự tin cậy lẫn nhau và sẽ cải thiện các kênh thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước. Nói chung, xét theo những tuyên bố của cả hai bên, cuộc đàm phán mang tính xây dựng và thân thiện.
Có thể nói rằng, Hà Nội và Bắc Kinh đã vượt qua được và xua tan tình huống căng thẳng đột nhiên xuất hiện trong quan hệ song phương vào mùa hè. Khi đó, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc, Thượng Tướng Phạm Trường Long đã đến Việt Nam để hội đàm với một số đại diện lãnh đạo quân sự Việt Nam và theo dõi cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối cùng đã trở nên rõ ràng rằng kế hoạch tập trận quân sự giữa hai nước đã bị hủy bỏ. Tướng Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam, như báo chí Trung Quốc viết, "vì các lý do liên quan tới sắp xếp lịch làm việc".
Theo kế hoạch, tham gia cuộc tập trận chống khủng bố phải có hàng trăm bộ đội biên phòng của cả hai nước, và quá trình chuẩn bị cho hoạt động này đã được phản ánh rộng rãi trên báo chí. Vì vậy, đa số người cho rằng, thông tin về việc bất ngờ hủy bỏ cuộc tập trân mà không giải thích lý do không phải là sự tình cờ. Các nhà phân tích đã nhận xét rằng, có khả năng mối quan hệ giữa hai nước trở nên "lạnh nhạt" vì các nhà ngoại giao Việt Nam bắt đầu hoạt động tích cực hơn để củng cố mối liên hệ với Mỹ và Nhật Bản, cũng như do những mẫu thuẫn trong vấn đề Biển Đông. Điều đáng chú ý là vào ngày 18 tháng 6 — ngày đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam của Tướng Phạm Trường Long, tờ Global Times đã đăng tải bài viết chỉ trích gay gắt Việt Nam và những nỗ lực của nước này nhằm tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.
Lần này báo chí Trung Quốc phản ánh một cách khách quan, trung thực chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc. Ví dụ, tờ Global Times trích dẫn lời tuyên bố của Tướng Phạm Trường Long nói rằng, quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội Việt Nam để kiểm soát sự khác biệt giữa hai bên và đưa năng lượng tích cực vào sự phát triển quan hệ song phương. Sự hiện diện của Tướng Phạm Trường Long tại cuộc đàm phán về biên giới là một dấu hiệu cho thấy rằng, Bắc Kinh coi trọng việc phát triển mối quan hệ với Việt Nam.
Xét theo mọi việc, mối quan hệ song phương được cải thiện nhanh chóng do thực tế rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc đã phân tích kỹ lưỡng các bài học của vụ việc trên cao nguyên Doklam trong khu vực "ngã ba biên giới" của Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Do cuộc xung đột đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi suýt nữa có thể hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc đến dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Hàng Châu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các mối liên hệ giữa các bên trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Rõ ràng là không chỉ trường hợp này mà nói chung, Trung Quốc không muốn duy trì những tình huống căng thẳng lâu dài trong quan hệ với Việt Nam, dù có những lý do lịch sử phức tạp đè nặng lên mối quan hệ song phương.
Trung Quốc đang thực hiện dự án "Một vành đai Một con đường", vì thế Bắc Kinh cần đến sự ủng hộ của tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương, bởi vì dự án được xem xét như phần đóng góp của Trung Quốc vào sự phát triển của khu vực, để đảm bảo hòa bình và ổn định ở đây, bao gồm cả thông qua việc phát triển sự hợp tác kinh tế. Các chuyên gia đã ghi nhận sự phát triển mối quan hệ Trung —Việt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo Tân Hoa Xã, gần đây hai bên đã đạt được thỏa thuận về phát triển thương mại và thành lập các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, chặng đường từ nay đến việc khôi phục hoàn toàn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước láng giềng vẫn còn xa. Ví dụ, Bắc Kinh không hài lòng với sự hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác với nhau trong vấn đề Triều Tiên, nhưng, chính quyền Trump không từ bỏ chính sách kiềm chế Trung Quốc ở châu Á và xem xét Việt Nam, nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, như một trong những đối tác quan trọng nhất. Tuy nhiên, ưu thế của Trung Quốc là sức hấp dẫn và các sáng kiến kinh tế quy mô lớn trong khu vực.