Bất cứ ai có những hiểu biết về các vấn đề quân sự sẽ trả lời:
"Để có những người lính có thể rơi xuống từ trên không vào vị trí đóng quân của đối phương và ngay lập tức mở cuộc tấn công, phá hủy các trung tâm thông tin liên lạc, trạm chỉ huy, dọn đường cho các đơn vị quân đội và giữ vững các vị trí quan trọng".
Tuy nhiên, khi thọc sâu hậu phương địch cách xa lực lượng chính, những người lính nhảy dù cần đến sự hỗ trợ pháo binh mạnh mẽ, — nhà quan sát quân sự của Sputnik Andrei Stanavov viết. — Sự khác biệt chính giữa pháo tự hành của lực lượng đổ bộ đường không (viết tắt là VDV) và pháo tự hành của lục quân là pháo tự hành của VDV có thể được vận chuyển và đổ bộ đường không, kể cả với kíp xe. Chúng nên có trọng lượng nhẹ và kích thước gọn mà vẫn đáng tin cậy, và điều quan trọng nhất — phải có sức mạnh hỏa lực lớn. Lực lượng đổ bộ đường không của Nga được trang bị xe pháo tự hành 2S9 Nona-S đã được thiết kế dưới thời Liên Xô và phiên bản hiện đại hơn — 2S25 Sprut-SD. Hai loại xe pháo bổ sung cho nhau vì có phạm vi hoạt động hơi khác nhau.
Xe pháo tự hành Sprut đã được thiết kế vào những năm 1990 và đã được hiện đại hóa mấy lần. Đây là loại xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-3, tháp pháo mới lắp pháo chính 125 mm. Trên thực tế, đây là loại xe tăng hạng nhẹ có thể lội nước và đổ bộ đường không (cho đến nay đây là loại xe tăng có một không hai trên thế giới). Dù có trọng lượng nhẹ, sức mạnh hỏa lực của xe pháo loại này không kém hơn so với hỏa lực của xe tăng chiến đấu lớn. Sprut có thể chọc thủng phòng tuyến đối phương, đặc biệt là hỗ trợ đội hình lính dù hoặc thủy quân lục chiến, có thể bắn trực diện để đối phó với xe thiết giáp của đối phương. Tuy nhiên, Sprut cũng như bất kỳ loại xe tăng nào khác, không thể đóng vai trò lựu pháo vì có nòng quá ngắn.
Để thực hiện nhiệm vụ này có xe pháo loại cũ đã được thử thách qua thời gian - xe tự hành Nona. Xe pháo loại này nâng nòng súng lên, pháo chính cỡ nòng 120mm gần như thẳng đứng, nhờ đó nó có thể phóng đạn ở khoảng cách lên đến 9 km theo quỹ đạo hình cầu vồng, vượt qua những chướng ngại cao (vượt qua đỉnh núi, tòa nhà cao tầng, vv). Một quả đạn trái phá của Nona tạo ra một hố sâu đường kính 5 mét và khoảng hơn ba nghìn mảnh vỡ có sức công phá và hủy diệt khủng khiếp. Súng cối tự hành của Nona có thể tiêu diệt xe tăng ở khoảng cách lên đến 1 km. Ngoài ra còn có những quả đạn dẫn hướng bằng hệ thống định vị laser để đánh vào xe tăng địch từ phía trên vào bộ phận có lớp bảo vệ kém hơn. Hiệu suất diệt mục tiêu gần như 100%. Nhân tiện xin nói luôn, cối tự hành Nona có thể sử dụng các đạn dược cùng cỡ do các nước khác sản xuất: có thể sử dụng đạn nổ — phá mảnh 120mm có nguồn gốc phương Tây hay Trung Quốc. Đây là một thực tế đã được chứng minh.
Đáng tiếc, với tất cả các ưu điểm này, xe pháo Nona đã qua gần 40 năm sử dụng và bắt đầu trở nên lỗi thời. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ đội đổ bộ đường không (VDV) suy nghĩ về việc phát triển một xe pháo mới để thay thế Nona. Một phương án tốt có thể là pháo tự hành mới Zauralets-D cỡ 120mm và 152mm. Tuy nhiên, hiện nay bộ chỉ huy quân đội Nga coi cần thiết sử dụng các phát minh kỹ thuật này trong dự án phát triển khác với tên mã Lotus (Hoa Sen). Nhiều khả năng, đây sẽ là pháo tự hành cỡ 120mm dựa trên khung gầm mới, với hệ thống điều khiển mới, hệ thống pháo đa nòng, mang nhiều cải tiến lớn về đạn dược. Về các đặc điểm kỹ-chiến thuật Lotus sẽ vượt qua Zauralets. Sau khi triển khai một hệ thống như vậy, hỏa lực của Lực lượng đổ bộ đường không Nga sẽ tăng đáng kể.