Tuy nhiên, quan điểm cho rằng "đất nước này hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc" là vô căn cứ, — nhà khoa học chính trị Yelena Yakovleva, một trong những chuyên gia Nga hàng đầu về nghiên cứu Lào, nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của Sputnik. Trung Quốc và Việt Nam đang cạnh tranh bình đẳng ở nước này, ban lãnh đạo Lào chú ý lắng nghe ý kiến của Trung Quốc, đồng thời phối hợp chính sách với Việt Nam.
"Do các yếu tố địa chính trị và lịch sử, quan hệ giữa Lào và Việt Nam có tính chất chiến lược và đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị của quốc gia này. Cơ sở của mối quan hệ song phương là mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Điều có tính biểu tượng là các lãnh đạo mới của cả hai quốc gia đều chọn chính nước bạn để thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên. Trung Quốc cũng chú trọng việc phát triển quan hệ với Lào. Bắc Kinh xem xét đất nước này ở trung tâm Đông Dương như một trung tâm giao thông đầy triển vọng, trong tương lai có thể thay thế Việt Nam và đóng vai trò cửa ngõ kết nối Trung Quốc tới Đông Nam Á. Tuy nhiên, khác với quan điểm của báo chí phương Tây, có đủ cơ sở để nói rằng, trên thực tế Việt Nam và Trung Quốc đang cạnh tranh bình đẳng trong các lĩnh vực cuộc sống của Lào, kể cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế và văn hoá. Về đầu tư tại Lào, Việt Nam và Trung Quốc gần như ngang bằng nhau ", — bà Yelena Yakovleva lưu ý.
Bà Yelena Yakovleva nêu ra số liệu năm 2016:
Tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa Lào và Việt Nam đã lên 2 tỷ USD, giữa Lào và Trung Quốc — 2,3 tỷ USD. Tổng khối lượng đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt 5 tỷ USD, Trung Quốc — 5,5 tỷ USD.
Đặc điểm của sự cạnh tranh Trung-Việt trong lĩnh vực này là cả hai nước đều tập trung đầu tư vào một số ngành có tiềm năng. Đây là ngành khai thác mỏ, năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp. Tuy nhiên, các dự án của Trung Quốc liên quan chủ yếu đến các khu vực miền Bắc Lào, còn Việt Nam — đến các khu vực miền Trung và miền Nam.
Sự cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn mang lại cơ hội tốt cho Lào và phục vụ lợi ích của nước này. Nhưng, đồng thời sự cạnh tranh này tạo ra những vấn đề gay gắt. Chỉ riêng trong năm ngoái Bắc Kinh đã gửi tới Lào khoảng một trăm nghìn công dân Trung Quốc. Dòng vốn của Trung Quốc đang dần thay thế vốn địa phương. Ở những nơi công dân Trung Quốc cư trú tập trung, pháp luật Lào thực tế không hoạt động, nạn cờ bạc, buôn lậu các loài thực vật và động vật quý hiếm phát triển mạnh. Có ngày càng nhiều trường hợp người dân địa phương không hài lòng với tình trạng như vậy tấn công vào công dân Trung Quốc.
Sau đây là một số thí dụ về sự cạnh tranh Việt Nam-Trung Quốc tại Lào trong những lĩnh vực khác nhau:
10.000 công dân Lào đang theo học tại Việt Nam, ở Trung Quốc có 7.000 lưu học sinh Lào. Theo truyền thống Việt Nam đứng số 1 về lượng khách du lịch Việt Nam đến Lào, Trung Quốc ở vị trí thứ ba. Trước đây các cán bộ đảng của Lào đã được đào tạo tại Hà Nội, kể từ năm 2005 — được đào tạo tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, năm ngoái, Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 10 được đánh dấu bởi thắng lợi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: các ứng cử viên mà Việt Nam ưa thích đã giữ các vị trí hàng đầu.
"Các nhà lãnh đạo Lào không thể không lắng nghe ý kiến của Trung Quốc. Nhưng họ phối hợp chính sách với Việt Nam. Vì vậy, không có cơ sở nào để nói về sự phụ thuộc hoàn toàn của Lào vào Trung Quốc", bà Yelena Yakovleva kết luận.